Phó Đại sứ 9X của Israel: Tôi thích cà phê Giảng và tin Việt Nam là nơi hoàn hảo cho 'kỳ trăng mật' dài gần 3 năm!
Shirel Levi, 29 tuổi, vừa đến Việt Nam được 3 tháng để đảm nhận vị trí Phó Đại sứ Israel. “Tôi có rất nhiều sự lựa chọn, và tôi chọn Việt Nam”, cô nói với Trí Thức Trẻ. “Tôi nhìn thấy tiềm năng trong mối quan hệ giữa hai nước. Mặt khác, tôi cảm thấy hứng thú với văn hoá Việt Nam. Trước đây tôi chưa được khám phá châu Á”.
-Chị bị thu hút bởi điều gì để đến Việt Nam?
Đó là văn hóa và con người. Tôi nghĩ người Việt Nam cực kỳ thân thiện. Truyền thống của các bạn cũng rất độc đáo. Cà phê nữa! Tôi yêu cà phê rất nhiều. Khi mới tìm hiểu về Việt Nam, tôi được biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Giờ đây, khi có mặt ở đây, tôi muốn tận hưởng điều này.
-Vậy chị đã thử quán cà phê nổi tiếng nào?
Tôi đã đến cà phê Giảng và uống cà phê trứng. Tôi thích thức uống lẫn không khí ở đó. Tôi thích cả cà phê dừa nữa. Tuy nhiên, tôi chưa được thấy các quán cà phê vỉa hè, tôi muốn đến và thử xem thế nào. Tôi hi vọng sẽ được thử trong Tết này, nhưng có lẽ mọi người đã nghỉ hết rồi. Khi cách hàng quán mở lại, nhất định tôi sẽ ghé qua.
-Trước khi đến Việt Nam đảm nhận vị trí Phó Đại sứ, chị đã tìm hiểu được gì về đất nước này?
Mỗi khi có những điều mới mẻ đến với tôi, tôi thường tập trung tìm kiếm thông tin. Tôi đã đọc tất cả những thứ có thể tìm thấy trên mạng. Ví dụ như về những cảnh đẹp, những truyền thống đặc trưng. Tôi cũng đặc biệt tìm kiếm thông tin về ẩm thực nữa.
-Từ những thứ tìm hiểu trước đó, đến khi thật sự đặt chân đến đây, chị thấy điểm gì thú vị nhất?
Khi làm việc ở đây, quả thực tôi phát hiện còn nhiều thứ mà mình chưa biết. Tôi nghĩ Việt Nam nhìn chung đã vượt qua tất cả những kỳ vọng của tôi. Con người, tôi thật sự không ngờ họ lại thân thiện đến mức này. Người dân rất ấm áp, nồng hậu và hiếu khách. Điểm đặc biệt nữa là cách người Việt đặt gia đình vào vị trí trung tâm cũng khiến tôi khá bất ngờ. Tôi thực sự thích điều này.
-Cụ thể chị cảm nhận vai trò của gia đình trong văn hoá Việt Nam như thế nào?
Tôi nhìn thấy điều này ở xung quanh, ví dụ như những đồng nghiệp người Việt tại cơ quan. Các bạn ấy dồn nhiều tâm huyết trong việc giáo dục con cái, thúc đẩy chúng thành công trong cuộc sống. Hay đơn giản hơn là một bữa tối đầy đủ thành viên quây quần với nhau, cùng chia sẻ thức ăn nóng hổi... Nó giống hệt cách chúng tôi vẫn làm ở Israel. Đấy chính là lí do tôi thích điều này đến vậy. Trước đó, tôi khá bất ngờ vì không nghĩ người Việt có văn hoá này.
-Giống như Đại sứ đương nhiệm, chị chọn Việt Nam là điểm đến cho kỳ nghỉ trăng mật của mình? Lý do nào khiến chị lựa chọn đất nước này cho kỳ nghỉ đặc biệt như vậy?
Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, tôi nghĩ không cần thiết phải nói nữa. Tôi nghĩ ở đây có một trong những cảnh độc đáo nhất tôi từng được thấy. Nhiều người Israel cũng đến đây du lịch nên tôi tin đây sẽ là nơi hoàn hảo cho kỳ trăng mật dài gần 3 năm. (Cười). Tại sao không?
Khi tôi kể với gia đình, bạn bè rằng mình sẽ đến Việt Nam, họ đều rất vui mừng. "Ồ, tôi muốn đến đó chơi", họ nói vậy nên tôi nghĩ đây sẽ là điểm đến tuyệt vời. Hiện giờ tôi mới đến Sapa thôi, Tết này tôi sẽ đi thêm Hội An, Đà Nẵng. Tôi cũng thực sự muốn đi Huế nữa. Nhưng Hội An là nơi tôi mong ngóng nhất lúc này.
-Công việc của một nhà ngoại giao có gì hấp dẫn ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam?
Công việc của một nhà ngoại giao ư? Đó là trải qua mỗi ngày thật khác biệt. Vì thế, với tôi đó là công việc thú vị nhất. Là Phó Đại sứ, tôi phải giải quyết nhiều vấn đề, từ kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo đến văn hoá, ví dụ đưa các ban nhạc Israel sang đây chẳng hạn…
Cũng nhờ thế mà tôi hiểu thêm về các quốc gia khác, như là Việt Nam. Nó sẽ là một phần trong sự nghiệp của tôi. Cứ vài năm tôi sẽ được thay đổi địa điểm, làm quen lại từ đầu. Tôi nghĩ đó là điều hay nhất.
Với Việt Nam, tôi nghĩ quốc gia này có tiềm năng kinh tế lớn. Chúng tôi mong muốn có thể ký một Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam trong năm nay.
Đất nước các bạn đang phát triển và thay đổi từng ngày ngay trước mắt chúng tôi, đó là một điều tuyệt vời. Israel là quốc gia khởi nghiệp, chúng tôi sẽ chia sẻ kiến thức với các bạn để Việt Nam có thể tiếp tục tiến lên phía trước, phát triển hơn nữa. Đó là một món quà mà chúng tôi luôn sẵn sàng trao đi, đặc biệt với Việt Nam – con hổ của châu Á.
-Như chị chia sẻ, một trong những vấn đề chị quan tâm là khởi nghiệp. Vậy chị đánh giá như thế nào về bức tranh startup ở đây?
Tôi phải nói rằng tôi đặc biệt bất ngờ. Trước khi đến, tôi đã biết rằng startup là chủ đề thú vị ở Việt Nam. Nhưng kể từ khi tôi đến đây khoảng 3 tháng trước, nó đã trở thành vấn đề chính mà tôi phải giải quyết.
Tôi rất bất ngờ bởi sự phát triển này. Mọi thứ đang phát triển tốt và đúng hướng. Chắc chắn là vẫn còn rất nhiều thứ phải làm, nhưng tôi tin với nguồn nhân lực mà các bạn có, cùng quyết tâm phát triển và tham gia khởi nghiệp của người trẻ Việt Nam, các bạn đã tạo nên những bước tiến lớn. Đó là sự phát triển vượt bậc. Chúng tôi đến đây để khiến mọi thứ trở nên tốt hơn nữa.
-Khi tiếp xúc với những người trẻ Việt, đặc tính nào của họ khiến chị cảm thấy ấn tượng nhất?
Những người Việt trẻ tuổi luôn sẵn lòng học hỏi. Họ là những con người chăm chỉ. Đây là hai đức tính mà tôi đánh giá rất cao. Khi nhìn vào họ tôi có thể thấy tiềm năng của cả một đất nước, vì những người trẻ này sẽ là thế hệ tiếp theo.
-Thường thì những người trẻ hay có xu hướng chọn một ngành nghề, lĩnh vực tự do như kinh doanh chẳng hạn, nhưng chị lại hướng mình trở thành công chức nhà nước. Có lý do đặc biệt gì ở đây không?
Tôi nghĩ rằng được phục vụ cho đất nước là mục đích cao cả nhất. Khu vực tư nhân cũng có những lợi ích riêng, và đó là lý do nhiều người trẻ chọn con đường đó. Nhưng tôi nghĩ lựa chọn của tôi giúp tôi cống hiến, mang lại lợi ích cho tổ quốc. Tôi thật sự hy vọng rằng ở tất cả những quốc gia mà tôi đến, tôi có thể cải thiện mối quan hệ giữa Israel với nước đó và giúp đỡ họ bằng những cách khác nhau.
-Từ khi nào chị nhận ra mục đích này?
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, thông qua vị trí tôi đảm nhận. (Shirel Levi là sĩ quan liên lạc với Liên Hợp Quốc, thuộc Phòng chiến lược, phục vụ ở
biên giới Lebanon trong Trụ sở của Sư đoàn Galilee – pv). Tôi sớm nhận ra rằng dấn thân trong ngành ngoại giao làm tôi thỏa mãn nhất. Tôi tin rằng đây là công việc cao cả còn hơn chính bản thân mình.
-Vậy ước mơ của chị khi trở thành người làm ngoại giao là gì?
Dĩ nhiên, mục tiêu lớn nhất của tôi lúc này là trở thành Đại sứ, nhưng việc này sẽ mất khá nhiều thời gian. Hiện tại tôi rất vui với vị trí hiện tại của mình, đó là một vai trò tuyệt vời, đặc biệt là so với tuổi của tôi nữa.
Tôi đã làm việc cực kì chăm chỉ để đạt đến vị trí này, và bây giờ tôi đã có được, nên tôi rất hài lòng, đặc biệt là tôi được làm việc ở Việt Nam nữa.
Nhưng trong tương lai gần, tôi muốn cố gắng trở thành một Đại sứ. Và sau đấy thì tôi sẽ tiếp tục làm hết sức mình, tôi không đặt ra giới hạn nào cho bản thân cả.
-Chị có nhắc đến lứa tuổi, việc những người ở độ tuổi như chị ở Israel trở thành nhà ngoại giao có là điều phổ biến?
Ở Israel, mọi thứ rất khác với ở đây. Tôi là người trẻ nhất trong khóa học của mình, nhưng việc mọi người đảm nhận các vị trí từ khi còn trẻ là rất bình thường. Điều này có được nhờ vào việc đi nghĩa vụ quân sự. Tôi có thể nói rằng thời gian đó sẽ khiến bạn trưởng thành rất nhanh và có nhiều kinh nghiệm. Bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp theo cách mà những người trẻ ở các quốc gia khác không được trải nghiệm.
-Vậy thời gian trong quân ngũ của chị như thế nào?
Tôi làm việc ở ban quan hệ quốc tế, là sĩ quan liên lạc với Liên Hợp Quốc. Công việc tập trung khá nhiều vào vấn đề ngoại giao. Chính ở đây, như tôi đã nói, giúp tôi nhận ra việc bản thân muốn làm trong tương lai.
Còn tôi nghĩ trải nghiệm tuyệt nhất của tôi trong quân ngũ là học cách biến bạn bè thành gia đình. Đó là những người duy nhất chúng tôi thấy trong nhiều ngày liền. Tôi chỉ được về nhà cách mỗi cuối tuần. Nên tôi nghĩ rằng thời gian trong quân dội là trải nghiệm biến những người lạ thành gia đình của mình, bên nhau lúc buồn, lúc vui.
Quá trình đó cũng giúp tôi học được nhiều điều. Bạn biết được rằng bạn có thể làm mọi thứ, mọi điều đều có thể. 10 năm trước, khi tôi 19 tuổi, tôi chẳng thể tưởng tượng được mình sẽ trở thành Phó Đại sứ tại Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm trong quân đội, giúp tôi nhận ra mình có khả năng làm mọi điều mình muốn.
-Dự định đón Tết của chị ở Việt Nam như thế nào?
Tôi rất hào hứng. Tôi đã thực hiện một số nghi lễ truyền thống trong dịp Tết rồi đấy. Tôi đã mua một cành đào, trang trí nó, và thả cá tiễn ông Táo về trời. Tôi còn học cách thực hiện vài món ăn Tết như nem rán, hay gói, cắt bánh chưng. Việc này đòi hỏi rất nhiều công đoạn chuẩn bị.
Như tôi đã nói, tôi cũng muốn đến Hội An trong thời gian này và trải nghiệm không khí Tết. Và tôi cũng rất mong được thấy Hà Nội trong dịp Tết, tôi nghe nói các đường phố sẽ rất yên tĩnh, vì thế tôi nghĩ nó sẽ rất thú vị.
-Theo tìm hiểu thì Israel cũng có tết âm. Điểm giống và khác nhau giữa tết âm của người Israel và người Việt như thế nào?
Đối với chúng tôi, năm mới là khoảng thời gian để suy nghĩ về những thứ mình đã làm, những điều tốt và xấu, và những điều cần cải thiện trong năm tiếp theo. Và cũng giống như Tết Nguyên đán, ngày lễ của chúng tôi là khoảng thời gian để sum họp gia đình, chúng tôi sẽ ngồi cùng nhau quanh một bàn và ăn một bữa cơm truyền thống.
Trong bữa ăn đó, chúng tôi thường ăn nhiều loại đồ ăn khác nhau tượng trưng cho những điều tốt đẹp trong năm mới. Ví dụ, chúng tôi sẽ ăn táo và mật ong để năm tiếp theo sẽ đầy những điều tốt lành ngọt ngào.
Tôi có để ý điều này, dù không giống nhau lắm, nhưng nó gợi nhớ cho tôi về ngày lễ ở quê nhà. Bánh giầy của người Việt hình tròn, tượng trưng cho bầu trời. Còn chúng tôi có bánh mì Challah truyền thống, đặc biệt vào năm mới chúng tôi sẽ làm nó theo hình tròn để tượng trưng cho một năm. Nó có hình tròn giống như bánh giầy, dù lý do thì khác nhau.
Còn một điều nữa, tuy không giống lắm nhưng cũng gần như vậy, là phong tục thả cá. Chúng tôi cũng có truyền thống đi đến những nơi có nước chảy, như sông hay biển, nhặt những hòn sỏi hay đá, và ném nó xuống nước để vứt bỏ tất cả những điều tồi tệ của năm trước đi.
Cảm ơn chị!
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Amazing Vietnam
Xem tất cả >>- Chủ tịch CMG.ASIA Randy Dobson: Việt Nam là một thị trường tuyệt vời, nhưng cũng rất phức tạp!
- Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”
- “Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời”
- Food blogger 9X Hàn Quốc coi Việt Nam như quê hương thứ hai: Đồ ăn Việt món nào cũng ngon, lại còn tốt cho sức khỏe nữa!
- 9X Nhật quyết tâm làm rể Việt Nam: Học tiếng Quảng để nói chuyện với người thương và lời cảm ơn của cô giáo Mỹ vì được thấy một Việt Nam mới!