MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi trường kinh doanh năm 2015: "Sẽ có nhiều sóng ngầm"

Năm 2015 trên bề mặt không có gì nhưng ở dưới sẽ có rất nhiều sóng ngầm. Thông tin là quyền lực do đó các doanh nghiệp cần nắm được những thông tin về lộ trình mở cửa FTAs để xây dựng lộ trình hoạt động cho doanh nghiệp mình.

Tóm tắt nội dung:

- Năm 2015 Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định TPP, FTA, với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất với đầy cam go và thách thức cũng như nhiều tín hiệu tích cực.

- Lĩnh vực thương mại hàng hoá FTAs sắp ký kết tiếp cận thị trường nhiều hơn và xu hướng cơ bản là loại bỏ thuế (0%) đối với 95%-100% số dòng.

- DN Việt Nam không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của DN Việt Nam rất thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị

Tại Hội thảo Thách thức phát triển doanh nghiệp 2015 do Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/1, tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI đánh giá năm 2014 là một năm với đầy biến động và khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp.

“Trong nước, sản xuất kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao..“ – Bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, năm 2014 cũng chứng kiến hàng loạt các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí là ngừng hoạt động khiến nền kinh tế bị tác động không nhỏ, nhân sách thất thu, xã hội bất ổn.

Bà Hằng dẫn chứng: Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước đã có 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn.

Năm 2015 sẽ là năm chuẩn bị cho lộ trình mở cửa của Việt Nam

Tham dự hội thảo nhiều diễn giả cho rằng, bước sang năm 2015 đã có nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp cụ thể:

Trong năm nay Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định TPP, FTA, với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất với đầy cam go và thách thức cũng như nhiều tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như cải cách sâu rộng các thủ tục hành chính cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ổn định hơn, thuận lợi hơn và phát triển tốt hơn.

Ở góc độ này tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, nếu so sánh các FTA đã ký kết VKFTA, VCUFTA, RCEP với các FTA ‘sắp’ cho thấy, trong những FTA đã ký kết thì hầu như chỉ tập trung vào thuế.  Lĩnh vực thương mại hàng hoá FTAs sắp ký kết tiếp cận thị trường nhiều hơn và xu hướng cơ bản là loại bỏ thuế (0%) đối với 95%-100% số dòng.

Và năm 2015 sẽ là năm của những chính sách tiếp tục và sẽ là năm của sự chuẩn bị cho những chính sách mới và lộ trình mở cửa của Việt Nam. Những FTA đã ký kết sẽ tiếp tục lộ trình mở cửa 2 năm, 5 năm, 7 năm. Liên quan tới từng lộ trình mở cửa thì Bộ tài chính sẽ ban hành chính sách thuế phù hợp với từng giai đoạn.

Đồng thời 2015 là năm thực hiện cuối cùng để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh.

“Doanh nghiệp cần phải biết chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình cho sự chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết và khó khăn. Ví dụ khi tham gia FTAs thì các mức thuế về 0% nhưng đối với từng mặt hàng sẽ có các quy tắc xuất xứ, TBT, SPS, TR, cạnh tranh với hàng cùng loại nước ngoài nhập khẩu, cạnh tranh với dịch vụ cùng loại từ nước ngoài” – Bà Trang nhấn mạnh

Bà Trang cho rằng, năm 2015 trên bề mặt không có gì nhưng ở dưới sẽ có rất nhiều sóng ngầm. Thông tin là quyền lực do đó các doanh nghiệp cần nắm được những thông tin về lộ trình mở cửa FTAs để xây dựng lộ trình hoạt động cho doanh nghiệp mình.

Nếu chỉ xuất khẩu cá basa thì đến 10 năm nữa Việt Nam cũng chưa gia tăng giá trị

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung, DNNVV Việt Nam cũng giống như mọi DNNVV các nước. Tuy nhiên DNNVV Việt Nam có hai điểm yếu hơn so với các nước.

Thứ nhất, cùng có số lượng như nhau nhưng DNNVV Việt Nam lại đóng góp cho GDP thấp hơn các nước.

Thứ hai, nếu nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, DNNVV Việt Nam rất ít, DN lớn lại càng ít hơn.

Chính vì vậy, chúng ta không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của DN Việt Nam rất thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị.

Chia sẻ về môi trường kinh doanh trên thế giới, TS Võ Trí Thành cho biết, thế giới ngày nay là thế giới của lĩnh vực kinh doanh mới, kinh tế hiện nay là kinh tế tiền tệ, kinh tế internet. Kinh tế, kinh doanh luôn gắn với công nghệ và hội nhập.

Thế giới ngày nay là thế giới xanh hơn, trong đó có gồm yêu thương xanh, kinh tế xanh và biểu tượng xanh. Việc doanh nghiệp và người dân yêu màu xanh có nghĩa là đã đóng góp cho bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một đặc trưng rõ nhất có thể nhìn thấy đó là thế giới ngày nay là thế giới của người tiêu dùng với sự tham gia của nhiều tầng lớp trung lưu.

Theo TS Võ Trí Thành, dự báo năm 2015 tiền tệ, lạm pháp sẽ thấp, sẽ linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh đồng đô la rớt mạnh. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu.

Bên cạnh việc cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp, năm nay chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa kỷ luật thị trường thông qua các chế tài chống hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, việc thực hiện Luật Cạnh tranh cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.

ASEAN là quá trình tự do hóa. Tham gia vào thị trường này, chúng ta phải cơ bản dựa vào luật chơi thị trường – đó là một thị trường tự do sâu, mạnh nhưng cũng là một thị trường kỷ luật, giám sát mạnh mẽ hơn. Tự do hóa chỉ đem lại cơ hội theo nghĩa tĩnh, nhưng về dài hạn, chúng ta phải nghĩ đến sáng tạo để tìm được giá trị gia tăng tốt hơn.

“Ví dụ, xuất khẩu cá basa rất tốt, nhưng nếu chúng ta chỉ xuất khẩu con cá thôi thì đến 10 năm nữa cũng chưa gia tăng giá trị được: - ông Thành nói.

4 Bộ “chung tay” cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên