MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào TPP, ngành nông nghiệp sẽ “5 ăn, 5 thua”

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là bông hồng nhiều gai, mang lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam...

Sáng 11/4, Mạng cộng đồng nghề nghiệp Việt Nam Mylink phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức Tọa đàm CEO NETWORK số 1 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam”.

Việt Nam rất “máu” hội nhập

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế chia sẻ, Việt Nam là nước tiên phong trong hội nhập. So sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ thua Singapore. Việt Nam đang rất tích cực trong việc ký kết các hiệp định.

Nhận xét về hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, TS Lê Đăng Doanh cho biết, 28 nền kinh tế của EU đều hơn hẳn Việt Nam, nên hiệp định này sẽ góp phần bổ sung cho nhau. Những cái Việt Nam làm được thì EU sẽ không làm nữa, chẳng hạn như các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... Theo dự báo, khi FTA Việt Nam – EU được ký kết, 90% hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ về 0%; xuất khẩu sang EU sẽ tăng 30-40%; nhập khẩu tăng 20-25%.

Đối với Hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc, về cơ bản đã kết thúc đàm phán và có thể ký kết sớm trong năm 2015. Hai nền kinh tế sẽ tiếp tục bổ sung cho nhau.

Bên cạnh đó, Hiệp định FTA Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga-Kazachstan-Belarus, cũng đã kết thúc và có thể ký kết trong năm nay. Dự kiến xuất khẩu sang Nga sẽ tăng 63%; xuất khẩu sang Belarus tăng 41% và Kazachstan tăng 8%.

“Nếu kết thúc, Việt Nam sẽ có FTA với 55 nền kinh tế. Đây là cơ hội lớn để tăng trưởng GDP trong quan hệ thương mại với các nước” – Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.

TPP là bông hồng nhiều gai

Nếu vào TPP, các nền kinh tế lớn sẽ bổ sung cho Việt Nam. Bên cạnh đó, TPP có nhiều điểu khoản mới, không chỉ liên quan đến thương mại, mà còn có lợi ích chiến lược, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất thấp, nhập khẩu thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường; liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của các nước trong TPP. Môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn…

Trong đó, đối với dệt may – ngành được dự báo sẽ có nhiều cơ hội nhất khi gia nhập TPP, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) kỳ vọng, TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh cho biết, đàm phán TPP đang ở vòng thứ 21. Mỹ muốn kết thúc đàm phán và ký kết trong tháng 5/2015, trước khi nước Mỹ bước vào vận động bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên, một số vấn đề “xương” đối với Việt Nam hiện nay như lao động và công đoàn; cạnh tranh đối với DNNN; các rào cản kỹ thuật có thể khiến vô hiệu hóa mức giảm thuế.

Đề cập đến những thách thức của TPP, TS Lê Đăng Doanh nhận định, "TPP là bông hồng nhiều gai". Quy tắc xuất xứ từ TPP đối với hàng dệt may và các sản phẩm khác cao hơn hiện nay, có thể vô hiệu hóa ưu đãi về thuế quan.

Vào TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ “5 ăn, 5 thua”

Trong ngành nông nghiệp, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về cà phê, tiêu, gạo trên thị trường thế giới; nhưng lại thua về mía đường, ngô…

Với mặt hàng gạo, Thái Lan và Ấn Độ chưa vào TPP nên đây sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xâm nhập thị trường các nước thành viên TPP. Chẳng hạn, trên thị trường Mỹ, thuế xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm từ 7% xuống 0%.

Bên cạnh đó, cơ hội hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất lớn. Nhật Bản là nước kết cấu dân số già, không có lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp (rau quả), thủy sản (cá ngừ)… từ Việt Nam là rất lớn.

Ngược lại, theo TS Lê Đăng Doanh, ngành sẽ gặp khó là chăn nuôi, với 3 đối tượng chính rơi vào cảnh “nguy cấp” là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt.

Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang sử dụng thịt đông lạnh… Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ bị thua thiệt.

Cùng với đó, bò thịt và bò sữa của Việt Nam cũng chịu sức éo nặng nề, cần có giải pháp cấp bách.

Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”?

 

CEO NETWORK số 1 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN và Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam” đã diễn ra sáng ngày 11/4/2015 tại Hà Nội.

Chương trình được Mạng cộng đồng nghề nghiệp Việt Nam Mylink.vn phối hợp cùng Tổ chức phát triển doanh trí Việt Vietfounder, dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đồng tổ chức chuỗi chương trình CEO NETWORK 2015, cùng sự bảo trợ thông tin của Kênh thông tin tài chính CafeF và một số cơ quan thông tấn báo chí khác.

 

 

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên