1 bài thơ cực ý nghĩa bỗng dưng bị hàng ngàn người đem ra "mổ xẻ", chê bai: Câu chuyện phía sau rất cảm động
Ngoài ra, nhiều người cũng phát hiện 1 vấn đề thú vị về bài thơ gây tranh cãi này.
- 16-10-2023Thêm một bài thơ trong SGK lớp 6 trở thành tâm điểm tranh cãi: 'Triu… uýt… huýt… tu hìu…' là gì?
- 11-10-2023Bài thơ Bắt nạt trong SGK bị chê, tác giả lên tiếng: Thứ tôi nhìn thấy ở tương lai là sự kính trọng của làng văn thế giới
- 09-08-2021Thư tay bố gửi con gái đi học xa nhà 16 năm trước: Mỗi bức là một bài thơ tự sáng tác, đọc tới đâu rớt nước mắt tới đó
Chuyện lâu lâu một tác phẩm trong sách giáo khoa bỗng dưng bị đem ra mổ xẻ, khen chê không còn hiếm. Tuy nhiên, không phải ý kiến nào cũng công tâm và trên tinh thần xây dựng. Đôi khi, xuất phát từ quan điểm cá nhân của một người, bỗng dưng nhiều người khác cũng "tát nước theo mưa" dù chưa tìm hiểu kĩ càng... Trường hợp bài thơ dưới đây là một ví dụ.
Được biết, mới đây, trong một fanpage dành cho giáo viên với gần 300 ngàn người theo dõi , một tài khoản Facebook đã đăng tải bài thơ TIẾNG HẠT NẢY MẦM của tác giả Tô Hà cùng câu cảm thán: "Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao? Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi…".
Chủ đề này thu hút gần 8 nghìn lượt thích và gần 7 nghìn lượt bình luận. Trong đó, rất nhiều ý kiến cho rằng bài thơ "ngang phè", thiếu vần điệu, một số từ ngữ "trúc trắc", đặc biệt là đối tượng tiếp thu là học sinh tiểu học. Một số nhận định, họ đọc bài thơ nhiều lần nhưng vẫn không nhớ nổi thì các con sẽ rất khó thuộc lòng.
Ngoài ra, một vài từ ngữ trong bài thơ cũng được cho là quá mới mẻ, "chưa nghe bao giờ", quá tượng hình, đòi hỏi học sinh phải có khả nâng liên tưởng, tưởng tượng tốt. Trong đó từ "Ánh ỏi" gây tranh cãi nhiều nhất. Không ít phụ huynh thắc mắc: Tại sao lại dùng Ánh ỏi mà không phải là óng ả? Bài thơ dạy các cháu mà ngôn từ người lớn đọc còn mông lung thế này thì ý nghĩa truyền tải cũng giảm đi nhiều phần
Dù vậy, luồng ý kiến ngược lại nhận định: Bài thơ rất ý nghĩa. Ngay từ lần đầu đọc họ đã thấy rưng rưng. Đừng nhìn vào cách gieo vần. Hãy nhìn vào cái đẹp, cái hồn mà bài thơ muốn truyền tải. Bài hay mà rất thật, tả cực kì sinh động, cứ như từng giọt cảm xúc, hình ảnh của trẻ con ùa về. Đúng là phải quan sát trẻ rất kỹ, đủ cảm mới làm được.
"Bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh. Các âm nối tiếp nhau như một bạn nhạc vui tươi. Các con đến trường học những điều tốt đẹp, cô giáo theo tâm hồn thơ ngây mà nhiệt huyết và tình yêu con trẻ cùng hòa hợp. Hạt gieo trên đồng, hạt bật mầm trong nắng, hạt hứng giọt mưa mà tươi xanh. Tâm hồn trẻ cũng vậy!", một tài khoản nhận định.
Câu chuyện cảm động đằng sau bài thơ gây tranh cãi
Được biết, TIẾNG HẠT NẢY MẦM thuộc tập Hương cỏ mặt trời (1978) của nhà thơ Tô Hà. Ông mô tả một lớp học của trẻ khiếm thính, trong đó âm thanh mà các em có thể "nghe" chỉ là ký hiệu từ bàn tay cô giáo: "Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm". Với những học sinh ấy, đó là loạt âm thanh sống động, "Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/ Tiếng sớm mai mẹ gọi''. Không chỉ vậy, cô giáo còn gợi mở trước mắt học sinh một thế giới muôn vẻ, có "Tiếng cuộc đời sâu vợi/ Con tàu biển buông neo/ Ngôi sao mọc rừng chiều/ Vó ngựa ran vách đá".
Từ đó, tác giả tôn vinh, tri ân những nỗ lực của giáo viên trong việc mang tri thức tới cho trẻ khuyết tật: ''Bao nghĩ suy vất vả/ Trong mắt người lo toan/ Để từng âm có nghĩa/ Bật lên từ môi em".
Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho biết đau lòng khi đọc những bình luận không tích cực về bài thơ. Chị cho biết, bài thơ rất tròn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc.
"Ví dụ từ mà mọi người lên án "Hót nắng vàng ánh ỏi", nhiều người chê nhà thơ dùng từ sai, lẽ ra là "óng ả" chứ sao lại "ánh ỏi". Nào, chúng mình cùng hiểu nghĩa từ nhé: Ánh ỏi: Ngân vang, vút cao. Vậy thì tiếng chim hót trong nắng nó ngân vang vút cao hay nó phải màu vàng? Đến lúc này chúng ta đều biết vì sao nhà thơ dùng từ "ánh ỏi" mà không là từ "óng ả" hay từ nào đó khác. Tiếng Việt giàu và đẹp nhờ vào những biện pháp tu từ này.
Văn chương nghệ thuật, sứ mệnh là gì? Là hướng thiện! Là vì sự tốt đẹp của con người! Vậy thì ngôn từ đặc sắc, ý nghĩa bao dung. Bài thơ này chỗ nào không xứng? Chỗ nào đáng lên án! Cho đến bây giờ, Hà vẫn không thể hiểu một bài thơ hay đến như vậy (về ý nghĩ, về câu từ, về nghệ thuật) lại bị mạt sát nặng nề đến như vậy...", nhà văn viết.
Một điều thú vị là giữa tranh cãi, một số cư dân mạng phát hiện ra, bài thơ dù đọc ngược lại vẫn rất hay và trọn vẹn.
Cụ thể như sau:
TIẾNG HẠT NẢY MẦM
Ai nụ cười rưng rưng
Giữa hồn nhiên lớp học
Trước diệu kì tiếng hót
Nghe cánh vỗ chim non.
Bật lên từ môi em
Để từng âm có nghĩa
Trong mắt người lo toan
Bao nghĩ suy vất vả.
Vó ngựa ran vách đá
Ngôi sao mọc rừng chiều
Con tàu biển buông neo
Tiếng cuộc đời sâu vợi.
Tiếng sớm mai mẹ gọi
Tiếng lá động trong vườn
Là tiếng hạt nảy mầm
Sau ngón tay cô đấy.
Nhìn theo cô mấp máy
Các bé vẫn lặng chăm
Hót nắng vàng ánh ỏi
Cánh sẻ vụt qua song.
Báo tưng bừng thanh âm
Đôi tay cô cụp mở
Lớp mươi nụ môi hồng
Mắt sáng, nhìn lên bảng.
Hiện bài thơ này vẫn thu hút tranh luận.
Phụ nữ số