MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1% khác biệt ở Triều Tiên

17-05-2016 - 11:03 AM | Tài chính quốc tế

Giới trẻ thượng lưu chỉ chiếm 1% dân số Triều Tiên. Có thể tìm thấy họ ở Pyonghattan - thuật ngữ mà tờ The Washington Post (Mỹ) “biến hóa” từ Manhattan, khu trung tâm giàu có của TP New York - Mỹ.

Đó có thể là khu phức hợp giải trí ở trung tâm Bình Nhưỡng. Tại đây, giới nhà giàu vừa chạy bộ trên máy tập vừa coi phim hoạt hình Disney hoặc tập yoga. Nữ giới chọn trang phục bó sát và Elle là thương hiệu phổ biến nhất, còn nam giới chuộng đồ thể thao Adidas và Nike.

Khu phức hợp này còn có một nhà hàng tiệc cưới nhưng giá thuê lên đến 500 USD/giờ và một quán cà phê với hầu hết thức uống có giá từ 4-8 USD, thậm chí ly cà phê mocha đá tới 9 USD. Đáng nói là lương công chức Triều Tiên chưa đến 10 USD/tháng.

Trong chuyến đi tới Triều Tiên dự đại hội Đảng Lao động tháng này, 3 phóng viên của báo The Washington Post (Mỹ) phát hiện các nhà hàng ở Bình Nhưỡng không hề “dễ xơi”.

Tại nhà hàng ẩm thực Đức gần tháp Juche mà họ đặt chân đến, một phần beefsteak với khoai tây nướng đặc biệt có giá đến 48 USD trong khi món ăn địa phương cũng tròm trèm 7 USD - không thua gì mức giá ở nước Hàn Quốc láng giềng. Còn những nhà hàng sushi và thịt nướng trong khu phức hợp Sunrise phục vụ phần bò nướng với giá 50 USD/người.

Nhân viên đang làm bánh pizza tại một nhà hàng ở thủ đô Bình NhưỡngẢnh: Washington Post
Nhân viên đang làm bánh pizza tại một nhà hàng ở thủ đô Bình NhưỡngẢnh: Washington Post

Mặc dù Triều Tiên là đất nước lạc hậu về kinh tế, công nghiệp kém phát triển nhưng sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp thương nhân những năm gần đây đã tạo ra thế hệ nhà giàu mới tại Bình Nhưỡng.

Theo Washington Post, những người này được gọi là “Donju” hoặc “ông chủ có tiền”. Họ xuất hiện khi Triều Tiên có những bước đi hướng tới kinh tế thị trường cách đây 15 năm và ngày càng nhiều dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thường nắm giữ vị trí trong các bộ, quân đội cũng như điều hành các công ty nhà nước ở ngoài hoặc thu hút đầu tư vào Triều Tiên, “donju” còn giao dịch mọi thứ, từ tivi màn hình phẳng cho đến căn hộ.

Những dấu hiệu khác cho thấy người khá giả ở Bình Nhưỡng ngày càng nhiều là sự xuất hiện của các công ty taxi và hình ảnh người dân dắt chó đi dạo, vốn không dễ nhìn thấy vài năm trước.

Khoảng 3 triệu người trong tổng số 25 triệu dân ở Triều Tiên sở hữu điện thoại di động. Một siêu thị lớn ở Bình Nhưỡng cũng không thiếu hàng nhập khẩu, bao gồm thịt bò Úc, cá hồi Na Uy... nhưng giá cả đều ở “trên trời”.

Phẫu thuật thẩm mỹ, vốn phổ biến ở Hàn Quốc, cũng đã thâm nhập Bình Nhưỡng. Một ca cắt mí mắt có giá từ 50-200 USD tùy tay nghề bác sĩ. Phụ nữ Bình Nhưỡng - theo chân bà Ri Sol-ju, người vợ thời trang của ông Kim Jong-un - cũng ưa chuộng quần áo hợp mốt hơn.

Dù vậy, cô Lee Seo-hyeon, 24 tuổi, cho biết: “Chúng tôi phải ăn mặc dè dặt ở Triều Tiên. Do đó, mọi người thích đến phòng tập thể dục để có thể khoe đường cong và chút ít da thịt”.

Lee Seo-hyeon và người anh trai Lee Hyeon-seung, 30 tuổi, từng là thành viên của giới thượng lưu Bình Nhưỡng nhờ vào người cha là quan chức cấp cao làm nhiệm vụ ở Trung Quốc. Lee Hyeon-seung kể những món hàng hiệu được giới trẻ Triều Tiên sống ở nước ngoài đưa về nước.

Tuy nhiên, áo không tay, váy quá ngắn và tóc nhuộm là “giới hạn đỏ”. “Nếu bạn ăn mặc quá đà, bạn sẽ bị cảnh sát hỏi tên và bị bêu lên đài phát thanh” - cô Seo-hyeon kể. Hai anh em họ Lee đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2014 và hiện ở bang Virginia - Mỹ.

Xuân Mai

Người lao động

Trở lên trên