MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 lon nước ngọt chứa 10 thìa đường, nhưng kết quả kinh doanh của Coca-cola, Pepsi vẫn "đắng ngắt"

02-07-2016 - 12:50 PM | Doanh nghiệp

Mức tiêu thụ nước ngọt có ga bình quân tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Phải chăng, trong một tương lai không xa, nước ngọt có ga sẽ hoàn toàn biến mất khỏi thị trường và bị thay thế bởi một loại đồ uống khác?

Công ty sản xuất nước ngọt có ga nổi tiếng Pepsi đang phải hứng chịu vị đắng khi doanh số dòng sản phẩm này đi xuống do người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe.

Mới đây, Pepsi tuyên bố đưa dòng sản phẩm Pepsi không béo có chứa đường hóa học Aspartame (ngọt hơn đường 220 lần) vào thị trường nhằm thay thế những sản phẩm không béo có đường hóa học Sucralose (ngọt hơn đường 600 lần).

Động thái này nhằm thay đổi khẩu vị và đem lại những trải nghiệm mới cho người dùng sản phẩm của Pepsi, qua đó nâng cao doanh số. Dẫu vậy, việc đưa đường hóa học vào nước uống có ga khiến người dùng ngày càng lo lắng về khả năng gây ung thư, dù cả Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) lẫn Cục An toàn thực phẩm Châu Âu (FSA) đều khẳng định những chất đường hóa học trên là an toàn.

Những lời đồn đoán và các nghiên cứu không toàn diện, cộng với xu thế sử dụng thực phẩm sạch từ thiên nhiên đã khiến các loại đồ uống nước ngọt có ga như của Pepsi ngày càng ế ẩm.


Những sản phẩm nước ngọt có ga được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ trong quý I/2016

Những sản phẩm nước ngọt có ga được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ trong quý I/2016

Hiện tượng giảm doanh số của Pepsi khiến người ta nhớ lại điều tương tự đã xảy ra với Coca Cola vào thập niên 80 khi hàng này có sự thay đổi trong công thức pha chế. Tuy nhiên, lần giảm doanh số này không nằm ở vấn đề công thức mà là người tiêu dùng.

Mỹ và các nước Phương Tây nổi tiếng là những khách hàng chuộng đồ ngọt khi doanh số bánh kẹo và những sản phẩm nước ngọt có ga ở đây luôn chiếm thị phần chủ chốt trên thị trường. Tuy nhiên, số liệu của Beverage Digest cho thấy lượng tiêu thụ nước ngọt có ga tại Mỹ năm 2015 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Thậm chí, những số liệu từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy tình hình cũng chẳng khá hơn là bao.

Doanh số của nước ngọt có ga không béo Pepsi đã giảm 5,8% trong năm 2015 và 11% trong quý I/2016. Sản phẩm tương tự của hãng Coca cũng giảm 5,6% trong năm 2015 và 5,7% trong quý I năm nay.

Hai tập đoàn giải khát lớn là Coca và Pepsi hiện đang gặp vấn đề rất lớn về sức khỏe người tiêu dùng khi các bệnh béo phì cũng như răng miệng đang khiến người dân Mỹ ngày càng hạn chế uống nước ngọt.


Các sản phẩm nước ngọt có ga không béo của Pepsi và Coca mất dần vị thế tại Mỹ (% tăng trưởng doanh số)

Các sản phẩm nước ngọt có ga không béo của Pepsi và Coca mất dần vị thế tại Mỹ (% tăng trưởng doanh số)

Thậm chí với những khách hàng từng chuộng nước ngọt không béo, giờ đây họ cũng tìm kiếm những nguồn thực phẩm tự nhiên và an toàn hơn sau những lời tư vấn từ bác sĩ và chuyên gia.

Hiện tại, cả Pepsi và Coca đều đang muốn tìm ra một loại nguyên liệu thiên nhiên có thể thay thế đường làm chất tạo ngọt trong sản phẩm, tiếc rằng họ vẫn chưa thành công.

Cuộc cách mạng nước ngọt có ga tại Philadelphia

Trước đây, hàng loạt những kiến nghị về việc tăng thuế cho cá sản phẩm có đường như nước ngọt có ga đã diễn ra tại nhiều thành phố Mỹ, từ Seatle cho đến New York. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại do những tập đoàn lớn trong ngành cho hàng triệu USD cho các cuộc vận động hành lang ngăn chặn dự thảo.

Ví dụ như năm 2010, Hiệp hội đồ uống Mỹ (ABA) bao gồm các công ty nước ngọt lớn đã chi 12,9 triệu USD nhằm vận động hành lang ngăn chặn dự thảo đánh thuế nước ngọt. Con số này là 9,1 triệu USD vào năm 2012 cho dự thảo tương tự tại thành phố San Francisco.

Tuy nhiên, bản dự thảo mới đây tại Philadelphia có thể sẽ thành công trước sự chuẩn bị và ủng hộ mạnh mữ của cử tri. Theo đó, mỗi ounce nước ngọt có ga, kem, nước uống tăng lực hay nước trái cây và các loại nước ngọt khác sẽ bị đánh thuế 1,5 cent nếu thành phần có ít hơn 50% có nguồn gôc tự nhiên.

Điều này tương đương với việc thêm 1,01 USD cho mỗi chai nước ngọt có ga 2 lít, 21 cent cho mỗi cốc cà phê Frappuccino Starbuck hay 2,16 USD cho một lố 12 lon nước ngọt có ga.

Khả năng thành công cao của dự thảo thuế tại Philadelphia là điều dễ hiểu khi có đến 1/3 người trưởng thành tại Mỹ mắc bệnh béo phì, qua đó gây nên những bệnh khác như tiểu đường, tim mạch và các vấn đề về sức khỏe khác.

Thêm vào đó, những dẫn chứng trước đo về việc tăng thuế khiến giảm sức tiêu thụ đổ ngọt đã chứng minh đây là một biện pháp hữu hiệu, qua đó kích thích cử tri ủng hộ cho dự thảo. Tại Mexico, chính sách tăng thuế với nước ngọt đã khiến doanh số các mặt hàng này tại đây giảm 12% mỗi năm.

Ngoài ra, việc tăng thuế nước ngọt tại Philadelphia khiến chính quyền thành phố có thể thu về 91 triệu USD mỗi năm để tái đầu tư công, qua đó phân phối lại lợi ích cho toàn người dân cũng thúc đẩy một phần khả năng thành công của dự luật trên.

Sự thoái trào của một dòng sản phẩm

Năm 2011, Thống đốc Micheal Nutter của Philadelphia đã từng đưa ra một dự thảo luật tương tự khi đánh thuế 2 lần cho những loại đồ uống có đường, nhưng việc ABA đóng góp tới 10 triệu USD cho bệnh viện Children’s Hospital tại đây đã khiến dự thảo trên bị đình lại.

Năm 2010, thị trưởng New York Micheal Bloomberg cũng đã đề xuất dự thảo tăng thuế với nước ngọt nhưng chúng cũng bị chặn lại và nhiều chuyên gia nghi ngờ có sự tham gia của những tập đoàn nước ngọt lớn như Pepsi hay Coca.

Dù các hàng nước ngọt có nhiều tài chính cũng như quan hệ để đàn áp các dự thảo bất lợi với họ, nhưng những lo ngại về sức khỏe khiến các công ty này đang mất dần vị thế. Trong khoảng 1960-1990, doanh số nước ngọt có ga luôn tăng trưởng. Tuy nhiên trong 20 năm qua tính đến năm 2015, doanh số này đã giảm 25%.


Mức tiêu thụ nước ngọt có ga bình quân tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 (đơn vị 8 ounce/người)

Mức tiêu thụ nước ngọt có ga bình quân tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 (đơn vị 8 ounce/người)

Trái ngược lại, doanh số của nước khoáng đóng chai lại tăng vọt 20% trong khoảng 1993-2005 và thậm chí có xu thế vượt qua nước ngọt có ga.

Giáo sư đại học New York Marion Nestle, đồng thời cũng là chuyên gia về thực phẩm cũng như nước ngọt có ga, cho biết “Các công ty nước ngọt có ga đang bị gây áp lực từ mọi phía. Họ không còn có thể chi hàng triệu USD để dàn xếp mọi chuyện như trước.”

Chủ tịch hãng Coca khu vực Bắc Mỹ, ông J. Alexander M. Douglas Jr. cũng đã phải thừa nhận ăn uống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng chủ đạo của ngành thực phẩm ngày nay.

Rõ ràng, nước ngọt có ga đang gặp những vấn đề nghiêm trọng khi người tiêu dùng nhận thức được nhiều hơn về sức khỏe thay vì mua sản phẩm dựa trên khẩu vị. Phải chăng, trong một tương lai không xa, nước ngọt có ga sẽ hoàn toàn biến mất khỏi thị trường và bị thay thế bởi một loại đồ uống khác?

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên