MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 năm sau cú sốc phá giá nhân dân tệ, Trung Quốc đã bình yên?

10-08-2016 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Một năm sau khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo bởi quyết định đột ngột phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc, sự bình yên đã trở lại và áp lực dòng vốn bị rút ra cũng đã lắng xuống.

Có vẻ như viễn cảnh Mỹ sẽ chưa sớm tăng lãi suất đã giúp chặn đứng những cơn sóng bất ổn. Các nhà quản lý Trung Quốc cũng mạnh tay hơn trong việc ngăn người dân chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều cách, từ hóa đơn khống đến mua các sản phẩm bảo hiểm ở nước ngoài.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện ổn định ở mức khoảng 3.200 tỷ USD, và số liệu được công bố hôm qua cho thấy chuỗi giảm phát của chỉ số giá sản xuất (vốn đã kéo dài hơn 4 năm) giờ đây sẽ chấm dứt. Các chỉ số khác cũng vẽ nên một bức tranh tổng thể sáng sủa. Thêm vào đó, NHTW phát tín hiệu sẽ không vội vã cắt giảm lãi suất, đồng thời sử dụng những kênh khác để kích thích nền kinh tế.

Những nhà đầu tư bồn chồn lo lắng được trấn an bằng lời hứa Trung Quốc sẽ không phá giá nhân dân tệ để giúp đỡ các nhà xuất khẩu. Dù nhân dân tệ đã giảm khoảng 2,4% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay, thị trường cảm thấy dễ chịu với cơ chế quản lý tỷ giá mới.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiền mặt vẫn đang chảy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn vững tâm.

Theo Pauline Loong, chuyên gia đến từ công ty nghiên cứu Asia-Analytica Research (Hồng Kông), chỉ cần một tin đồn dậy sóng về thay đổi chính sách hoặc một động thái phá giá nhân dân tệ dù nhỏ cũng có thể khiến thảm họa năm ngoái lặp lại. Tâm trạng chung của thị trường trong nước là lo lắng và thiếu chắc chắn.

Ví dụ, khi nhân dân tệ giảm 1% so với USD hồi tháng 6 vừa qua, khoảng 49 tỷ USD ngoại tệ đã chảy ra khỏi Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 25 tỷ USD của tháng 5.

Dựa trên số liệu nhập khẩu 6 tháng đầu năm, các chuyên gia phân tích ở Nomura phát hiện ra rằng có thể dòng vốn bị rút ra đã được “ngụy trang” thành kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ các thiên đường thuế cũng như các trung tâm tài chính ở hải ngoại. Nhập khẩu từ thị trường Samoa tăng tới 723% trong thời gian này, từ Bahamas cũng tăng 354%.


Kim ngạch nhập khẩu từ Samoa, Bahamas...đột ngột tăng mạnh. (Nguồn: Bloomberg)

Kim ngạch nhập khẩu từ Samoa, Bahamas...đột ngột tăng mạnh. (Nguồn: Bloomberg)

Không chỉ có vậy, các công ty còn làm giả nhiều giao dịch ở nước ngoài. Theo luật sư người Mỹ Dan Harris chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc, có rất nhiều giao dịch giả mạo. Ví dụ, hồi tháng 2, Harris nhận được lời đề nghị làm giả chứng từ cho một thương vụ trị giá 3,5 triệu USD bằng cách thiết lập một công ty ở Mỹ và tạo nên một vụ án mà trong đó công ty Trung Quốc phải bồi thường 3,5 triệu USD cho công ty Mỹ.

Một thủ thuật khác thường được các công ty Trung Quốc sử dụng là thanh toán hợp đồng tư vấn ở nước ngoài mà thực ra không có bất kỳ dịch vụ nào được cung cấp, hoặc một thương vụ thâu tóm công ty ma ở nước ngoài.

Ngoài ra có thể nhìn thấy dòng tiền được chuyển ra nước ngoài khi quan sát thị trường chứng khoán Hồng Kông. Các nhà đầu tư đại lục đã mua ròng 93,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14 tỷ USD) cổ phiếu trên sàn Hồng Kông kể từ đầu năm đến nay. Hoạt động mua bán được thực hiện dễ dàng nhờ mối liên kết giữa hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải.

Cho đến nay chưa thể kết luận rằng xu hướng dịch chuyển của dòng tiền là dấu hiệu của một cuộc tháo chạy vốn. Các công ty Trung Quốc gần đây tăng cường trả nợ nước ngoài và theo đuổi những khoản đầu tư chiến lược. Dòng tiền cũng phản ánh động thái đa dạng hóa tài sản cũng như làn sóng cho con đi du học của người Trung Quốc.

2016 cũng là mà các doanh nghiệp Trung Quốc bỏ ra số tiền kỷ lục để thâu tóm tài sản ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại tổng giá trị các thương vụ đã được công bố lên đến 157,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tiền chảy ra nhưng cũng có dòng tiền đang chảy vào Trung Quốc. Tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đổ số tiền cao nhất từ đầu năm đến nay vào TTCK Trung Quốc. Lượng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trái phiếu cũng tăng mạnh nhất kể từ 2014, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường mở cửa thị trường vốn và trái phiếu Trung Quốc cũng mang lại mức lợi suất cao.

Trung Quốc cũng có cán cân thương mại cũng như cán cân vãng lai khỏe mạnh để chống đỡ với các cú sốc, theo David Loevinger – cựu chuyên gia chuyên nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ - nhận định.

“Trò chơi” có thể thay đổi nếu như Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến, khiến USD tăng giá mạnh và nhân dân tệ sụt giá.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên