1 nghề từng 'siêu hot' năm 2010 nay đứng đầu làn sóng suy giảm, dễ bị thay thế trong 5 năm tới
Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo, đây là nghề nghiệp có khả năng suy giảm nhanh nhất trong 5 năm tới.
- 29-06-2023Bỏ học vì nhà nghèo, bôn ba đủ nghề kiếm sống: Sau hơn 30 năm, người đàn ông mở nhà máy sản xuất gốm sứ với vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, sưu tầm hàng loạt đồ cổ giá trị khủng
- 23-06-2023Người hướng nội nên chọn ngành nghề gì để vừa hợp tính cách mà vẫn có thu nhập trên 30 triệu/tháng?
- 21-06-2023Bác sĩ “triệu tim” trên mạng xã hội: Tạm gác đam mê nghệ thuật để theo nghề Y
"Bố mẹ hướng cho mình làm giao dịch viên ngân hàng vì những năm 2008, 2010, nghề này rất hot. Chưa ra trường các ngân hàng đã xếp hàng tuyển, nghe nói còn thưởng Tết khủng vài trăm triệu đồng" - Ánh Dương, cựu sinh viên Học viện Ngân hàng, tâm sự.
Hoàn thành 4 năm trên giảng đường đại học, Ánh Dương lại quyết định làm trái ngành, chuyển hướng sang marketing vì lúc cô tốt nghiệp năm 2013 cũng là lúc nghề giao dịch viên ngân hàng giảm dần sức nóng. Từ thời điểm đó đến nay, nhu cầu về công việc giao dịch viên dần suy giảm trong làn sóng phổ biến của Internet và công cuộc số hóa quy trình ngân hàng.
Đầu năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố Báo cáo Tương lai việc làm cho thấy những công việc được dự đoán tăng trưởng nhanh nhất và suy giảm nhanh nhất trong 5 năm tiếp theo. Đáng chú ý là công việc đứng đầu trong Top 10 công việc suy giảm nhanh nhất lại là giao dịch viên ngân hàng.
Giao dịch viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, nhân viên thu ngân, bán vé nằm trong Top 3 ngành nghề dự đoán sẽ suy giảm nhanh trong 5 năm tới. Ảnh: Diễn đàn kinh tế thế giới
Nguyên nhân chính của sự chuyển dịch này nằm ở những giải pháp công nghệ tiên tiến đang được áp dụng tại ngân hàng và sự thay đổi hành vi của khách hàng. Nhiều tác vụ giao dịch đơn giản như chuyển tiền, kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm giờ đây có thể tiến hành trực tuyến thông qua website và ứng dụng của ngân hàng.
Nhiều ngân hàng còn tích hợp AI chatbot để tư vấn và chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn chatbot có thể như đưa ra thông tin về ưu đãi, trả lời các câu hỏi hỗ trợ khách hàng với hàng nghìn kịch bản câu hỏi khác nhau.
Theo PSFK, một công ty nghiên cứu về “Trải nghiệm khách hàng với sự hỗ trợ từ AI” trong Marketing, 74% người dùng thích chatbot trong khi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi đơn giản. Ưu điểm rõ ràng của phương pháp này là nhanh, thuận tiện, khách hàng không cần phải rời khỏi nhà.
Các con số này đang chứng minh công nghệ có thể đảm nhận nhiều phần công việc của giao dịch viên ngân hàng, thế nhưng điều này có đồng nghĩa với việc nghề giao dịch viên sẽ biến mất mãi mãi?
Nghề giao dịch viên có biến mất?
Tại các chi nhánh ngân hàng, sự chào đón của giao dịch viên hay việc giao tiếp trực diện với họ vẫn khiến nhiều khách hàng cảm thấy yên tâm hơn, kể cả trong thời buổi công nghệ 4.0.
"Đổi mật khẩu hay phát hành thẻ là những việc khách hàng có thể thực hiện trên app nhưng họ vẫn muốn ra quầy vì họ tin tưởng chúng tôi hơn" - chị Hương (Đống Đa, Hà Nội), giao dịch viên ngân hàng với 5 năm kinh nghiệm, cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên nghề giao dịch viên đứng trước thách thức của sự phát triển khoa học - công nghệ. Ảnh: Internet
Công việc của chị Hương tại ngân hàng thay đổi rất nhiều kể từ năm 2020, nhiều phần mềm của ngân hàng được tích hợp thành một phần mềm lớn và sử dụng thuận tiện hơn.
Khi được hỏi về mối đe dọa đối với nghề giao dịch viên trong tương lai, chị Hương tỏ ra lạc quan.
Nếu không làm giao dịch viên, bộ kỹ năng của nghề vẫn sẽ giúp chị và các đồng nghiệp tìm kiếm nhiều công việc khác như kế toán hay bảo hiểm. Công việc giao dịch viên cũng là bước đầu để tiến đến nhiều vị trí cao hơn trong ngân hàng như Kiểm soát viên, Phó/Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng, Phó Giám đốc vận hành, Giám đốc chi nhánh…
Biểu đồ mô tả mức lương theo kinh nghiệm của giao dịch viên. Ảnh: Vietnam Salary
Xu hướng chuyển đổi số chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ với nghề giao dịch viên ngân hàng. Theo ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate, các ngân hàng của tương lai có thể không cần giao dịch viên tại quầy giao dịch nhưng cần sử dụng giao dịch viên tư vấn qua màn hình trực tuyến.
Đây là hình thức máy rút tiền tương tác (ITM) đặt ở nhiều địa điểm khác nhau, cho phép khách hàng tương tác với giao dịch viên qua video.
Năm 1969, sự ra đời của chiếc ATM từng được cho là sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng giao dịch viên tại các ngân hàng, nhưng điều đó đã không diễn ra. ATM đã làm giảm một lượng lớn công việc nhưng nhu cầu tiếp xúc với con người của khách hàng vẫn còn đó. Trong tương lai gần, công việc của các giao dịch viên ngân hàng sẽ không biến mất hoàn toàn nhưng chắc chắn là có nhiều thay đổi đáng chú ý.
Phụ nữ Việt Nam