10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Ấn tượng nhóm ngân hàng
Nhiều cổ phiếu ngân hàng bứt phá trong tuần đầu tháng 2 đã giúp thị trường hồi phục và ổn định trở lại sau 2 phiên bán tháo đầu xuân. Trong khi nhiều cổ phiếu ngành dược và y tế giao dịch tích cực thì DCL lại liên tục lao dốc.
Sau 2 phiên giao dịch bị bán tháo đầu xuân, thị trường có phần ổn định trở lại trong tuần đầu tháng 2. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần vừa qua, VN-Index đứng ở mức 940,75 điểm, tương ứng tăng 0,4% so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 2,5% lên 104,92 điểm.
Góp phần đáng kể giúp thị trường hồi phục và ổn định trở lại là nhóm ngân hàng. Trong đó, CTG của Vietinbank là cổ phiếu tạo động lực lớn nhất với mức tăng 10,2% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Bên cạnh đó, VPB của VPBank cũng tăng 12,9%, HDB của HDBank tăng 10,9%, SHB tăng 14,5%. 2 cổ phiếu ngân hàng là VCB của Vietcombank và BID của BIDV sau khoảng thời gian tăng rất mạnh trước Tết thì đã không còn duy trì được sự hưng phấn. VCB tăng chỉ 1,5%, BID tăng 0,4%.
Đứng đầu danh sách tăng giá sàn HoSE là cổ phiếu GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC với gần 40% chỉ sau một tuần giao dịch. Nhìn rộng hơn, GAB đã có 17 phiên tăng trần liên tiếp từ 19.850 đồng/cp leo lên mức 61.700 đồng/cp.
2 cổ phiếu khác sàn HoSE tăng giá trên 20% là NAV của CTCP Nam Việt và CCL của Cảng Cát Lái với lần lượt 22% và 20,8%.
Chiều ngược lại, cổ phiếu HSL của Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với 25%. Trong tuần, cổ phiếu HSL giảm trong cả 5 phiên giao dịch trong đó có 2 phiên giảm sàn. Cổ phiếu HSL giảm trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2019 là tích cực. Riêng quý IV, HSL đạt 142 tỷ đồng doanh thu thuần và 19,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 4% và 50% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế cả năm 2019, HSL đạt doanh thu thuần 464,5 tỷ đồng, tăng mạnh 151 tỷ đồng tương ứng tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức 47 tỷ đồng, tăng mạnh 33,8%.
|
Tiếp sau đó, cổ phiếu DCL của Dược phẩm Cửu Long giảm 22,5% từ 26.000 đồng/cp xuống chỉ còn 20.150 đồng/cp. Diễn biến giá cổ phiếu DCL đi theo chiều hướng tiêu cực bất chấp việc nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm và y tế khác bứt phá nhờ được cho là hưởng lợi từ dịch nCoV. Thậm chí trong 3 phiên cuối tuần, DCL đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Tại sàn HNX, trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra tại DCL, cổ phiếu DNM của Y tế Danameco lại tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch của tuần đầu tháng 2 với mức tăng tổng cộng 60% nếu tính rộng hơn, DNM đã tăng trần trong cả 7 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết. DNM bứt phá nhờ hưởng lợi từ việc thị trường khẩu trang bùng nổ và thiếu hàng như đợt vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Danameco tiền thân là Trạm vật tư y tế Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập năm 1976. Công ty tiến hành cổ phần hóa và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7/2006. Đơn vị chuyên sản xuất các loại bông băng gạc, khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần...
|
Cổ phiếu ACM của Tập đoàn Khoáng sản Á Cường cũng bất ngờ tăng 40% ở tuần qua nhưng thị giá cổ phiếu này chỉ còn 700 đồng/cp. Các cổ phiếu tăng mạnh còn có DHP của Điện Cơ Hải Phòng, DNC của Điện nước Lắp máy Hải Phòng, IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam.
Chiều ngược lại, cổ phiếu VMS của Phát triển Hàng hải giảm giá mạnh nhất sàn HNX với 26%. Thanh khoản của cổ phiếu VMS luôn duy trì ở mức rất thấp và thậm chí cổ phiếu này thường xuyên rơi vào tình trạng không có giao dịch. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với CKV của COKYVINA, giảm 25,7%.
|
|
Trong khi đó, cổ phiếu KSE của Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM với 55,3%. Trong tuần, KSE đã có cả 5 phiên giảm sàn với thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của cổ phiếu này chỉ là 420 đơn vị.
|
NDH