Doanh nghiệp nhựa lớn của Việt Nam chuẩn bị chi hàng trăm tỷ trả cổ tức
MASVN nhận định giá PVC vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do mâu thuẫn giữa cung cầu vẫn còn tiếp diễn khi tình hình bất động sản Trung Quốc hồi phục chậm, qua đó sẽ giúp biên lợi nhuận của NTP cải thiện.
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã: NTP) thông báo ngày 7/1 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2024, tỷ lệ 15%/cp (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày thanh toán dự kiến vào 22/1/2025.
Với hơn 142,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Tiền Phong dự kiến chi khoảng 214 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Được biết, Nhựa Tiền Phong là công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ống nhựa xây dựng và phụ tùng nhựa tại Việt Nam, chiếm 60% thị phần ngành nhựa miền Bắc và hơn 30% thị phần cả nước. NTP đang sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất hơn 260.000 tấn/năm.
Một điểm khiến cho Nhựa Tiền Phong trở nên nổi bật trên thị trường nhựa Việt Nam hiện nay, đây là doanh nghiệp lớn vẫn giữ được thương hiệu Việt, chưa "rơi vào tay" nhà đầu tư nước ngoài.
Đối thủ sừng sỏ Nhựa Bình Minh đã về tay người Thái khi Nawaplastic Industries Co., Ltd, công ty con của SCG (Thái Lan) đang sở hữu 54,99% cổ phần. Ngoài ra, Tập đoàn Thái Lan SCG còn mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa (Sovi) và đặc biệt là mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân.
Về tình hình kinh doanh lũy kế 9 tháng 2024, NTP ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.830 tỷ đồng (+0,13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận tăng trưởng 32% so với quý 3/2023 đạt 519 tỷ đồng. LNST tăng nguyên nhân đến từ việc biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 28,8% 9T2023 lên mức 30,5% 9T2024 do giá hạt nhựa đầu vào giảm, chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 22% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, NTP đặt mục tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý, NTP đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 12% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Cơ hội từ giá hạt nhựa thấp
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết doanh nghiệp đầu ngành nhựa này kỳ vọng tăng trưởng hấp dẫn với cơ hội từ giá hạt nhựa thấp.
Hiện, giá hạt nhựa PVC (chiếm 70% chi phí nguyên vật liệu) ở vùng thấp nhất trong 8 năm do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp do tình hình bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc, kèm sự giảm giá của dầu thô (chiếm 70% chi phí sản xuất hạt nhựa).
Trong ngắn hạn, nhóm phân tích nhận định giá PVC vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do mâu thuẫn giữa cung cầu vẫn còn tiếp diễn khi tình hình bất động sản Trung Quốc hồi phục chậm, qua đó sẽ giúp biên lợi nhuận của NTP cải thiện.
Đồng thời, mảng bất động sản dân dụng miền Bắc (thị phần chính của NTP) đang hồi phục khả quan. Theo CBRE, trong 9 tháng/2024 tổng nguồn cung chung cư mới để bán tại Hà Nội đã đạt hơn 19.000 căn, vượt qua toàn bộ nguồn cung của năm 2023 và đánh dấu nguồn cung mới lớn nhất trong 5 năm.
" Năm 2025, sự phục hồi chung của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực giúp thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn. Ngoài ra, các dự án đầu tư công dự báo sẽ được thúc đẩy giải ngân mạnh hơn trong năm 2025. Qua đó, kỳ vọng sản lượng tiêu thụ ống nhựa sẽ cải thiện khi thị trường bất động sản khởi sắc" , báo cáo nêu rõ.
Nhịp sống thị trường