10 dấu ấn của ngân hàng Việt năm 2021: Vững vàng vai trò huyết mạch
Cũng là lĩnh vực chịu tổn thương lớn bởi COVID-19, song hệ thống ngân hàng Việt Nam năm qua cho thấy sự vững vàng, thậm chí mạnh mẽ hơn để đảm bảo vai trò huyết mạch trong thanh toán và thúc đẩy nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.
Năm 2021 khép lại nhưng tác động sâu rộng và phức tạp hơn của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động ngân hàng vẫn còn phía trước, khi độ trễ dần rút ngắn.
Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã trải qua một năm "đáng ngạc nhiên" khi các nền tảng năng lực tài chính mạnh lên rõ rệt, quy mô vốn điều lệ cải thiện mạnh nhất trong nhiều năm qua; nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tiếp cận các chuẩn mực cao hơn như Basel II và Basel III; chính sách tiền tệ giữ được ổn định trên nhiều mặt trận...
Dù nợ xấu nổi lên, dự báo áp lực lớn năm tới, song toàn hệ thống vẫn phát huy được vai trò huyết mạch trong đảm bảo thanh khoản và thanh toán, thúc đẩy nguồn vốn cho nền kinh tế, đồng hành và hỗ trợ được nhất định cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn trong đại dịch.
BizLIVE điểm lại 10 dấu ấn nổi bật của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2021 vừa qua.
1. Tiếp tục chính sách nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn do đại dịch COVID–19, chỉ trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có tới 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với các loại, được nhìn nhận là một trong những mức độ điều chỉnh mạnh trong khu vực.
Sang năm 2021, Nhà điều hành tiếp tục tạo điều kiện nới lỏng khi duy trì trạng thái vốn khả dụng dồi dào cho hệ thống, gián tiếp bình ổn lãi suất ở vùng thấp. Thông qua các đợt mua ngoại tệ khối lượng lớn, NHNN đã bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền cung ứng mà suốt từ khi đại dịch xẩy ra đến nay đã không trung hòa hút bớt tiền về như thông thường.
Bên cạnh đó, Nhà điều hành cũng có nhiều đợt tăng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có năng lực tạo cung tín dụng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021.
Năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam đã giảm bình quân khoảng 0,82%/năm so với cuối 2020, trong khi mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
2. Gỡ nút thắt tại “Big 4”, vốn ngân hàng tăng tốt nhất sau nhiều năm
Trong bối cảnh tác động của đại dịch kéo dài, điểm "đáng kinh ngạc" là nguồn lực và an toàn vốn của các ngân hàng vẫn không ngừng được củng cố năm qua.
Trước hết, nút thắt về vốn tại nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối căng thẳng từ năm 2016 đến nay đã từng bước được tháo gỡ. Agribank đã được cấp vốn bổ sung; Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt tăng mạnh vốn điều lệ qua cơ chế được trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Với ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế khi thị phần tín dụng chiếm tới gần 50% toàn hệ thống, quy mô vốn của nhóm trên được tăng lên tạo điều kiện quan trọng cho thúc đẩy tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh cần thêm nguồn lực để phục hồi.
Đáng chú ý hơn, chính trong bối cảnh đại dịch, hệ thống NHTM Việt Nam lại có một năm tốt nhất nhiều năm qua trong kết quả tăng vốn điều lệ. Đặc biệt khối cổ phần, mô hình năng động và linh hoạt hơn, đến tháng 9/2021 đã đạt tốc độ tăng vốn điều lệ tới gần 10% so với cuối 2020, và chưa dừng lại khi một số thành viên tiếp tục thực hiện trong quý 4. Ấn tượng này gắn với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, loạt NHTM nắm thời cơ phát hành thêm tăng vốn.
Chính kết quả trên góp phần quan trọng thúc đẩy nhiều NHTM tiếp tục tiến thêm một bước trong nâng cao chuẩn mực hoạt động theo Basel II và thậm chí với Basel III. Và qua đó có thêm điều kiện để có thể hỗ trợ khách hàng trong đại dịch.
3. Tiếp tục mở rộng cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại nợ theo tình hình mới
Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, NHNN là một trong những cơ quan chức năng phản ứng một cách nhanh nhất về cơ chế hỗ trợ. Theo đó, ngay tháng 1/2020, khi đại dịch mới chỉ bắt đầu “nhen nhóm” tại Việt Nam, Nhà điều hành đã xây dựng Thông tư 01, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không phải chuyển nhóm.
Sang năm 2021, khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư với tác động sâu và rộng hơn cũng đồng nghĩa với việc cơ chế hỗ trợ cũng cần được thay đổi cho phù hợp hơn, để có thể phát huy tác dụng một cách thực chất hơn. Theo đó, Thông tư 01 đã được sửa đổi tới 2 lần, với quy mô cũng như độ bao phủ đối tượng rộng hơn, sâu hơn.
Cập nhật số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
Cùng đó, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
4. Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ
Trong báo cáo ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Động thái này đã đảo ngược quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" hồi tháng 12 năm ngoái.
Đây là một thông tin vô cùng tích cực, bởi theo luật Mỹ, việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ và nguồn tài chính cho phát triển, cũng như đối diện với nguy cơ bị trừng phạt thương mại qua chính sách thuế quan khắc nghiệt hơn.
Kết quả trên một phần có sự phối hợp quan trọng của chính sách tiền tệ và NHNN Việt Nam.
5. Nợ xấu tiếp tục tăng mạnh vì COVID-19
Sau 3 năm thực hiện hoạt động tái cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của các TCTD đã có sự chuyển biến về chất và lượng, đặc biệt đạt kết quả ấn tượng trong xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập đến và kéo dài đã khiến mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và đưa tổng nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ trở nên khó thực hiện.
Cập nhật đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã ở mức 1,9%, tăng so với mức 1,69% hồi cuối 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%. Trong khi đó, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông 01 có nguy cơ nữa thì tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 8,2%.
Trong khi đó Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã cận kề thời điểm hết hiệu lực. Hệ thống các TCTD đứng trước thử thách lớn khi hẫng đi điểm tựa lớn từ nghị quyết này, đặc biệt về mặt pháp lý. Theo đó, yêu cầu xây dựng riêng Luật xử lý nợ xấu đang đặt ra cấp thiết.
6. 3 lần hạ giá mua USD, dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới
Năm 2021, tỷ giá USD/VND đang hướng đến bước giảm nhẹ trên tất cả các thị trường. NHNN đã có tới 3 lần hạ mức giá mua vào USD khá mạnh trong các tháng 6, 8 và 11 năm nay.
Nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam duy trì trạng thái tích cực, đến từ cán cân thương mại thặng dư, dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối, và đặc biệt có phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư sang VND.
Trước dòng chảy thuận lợi này, NHNN tiếp tục có một năm mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo dự liệu cập nhật của một số tổ chức quốc tế, đến đầu tháng 11, dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt khoảng 105 tỷ USD - mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam.
Nguồn lực trên vô cùng quan trọng, vừa góp phần củng cố vị thế quốc gia, vừa tạo thêm chủ động cho điều hành chính sách tiền tệ trong một thế giới đầy biến động.
7. Trẻ hóa và nhiều thay đổi trong cơ cấu nhân sự lãnh đạo
Năm 2021 chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo tại hàng loạt NHTM, với một thế hệ trẻ ngày một dày dặn hơn, được tin tưởng giao phó những vị trí quan trọng, thậm chí cao nhất trong quản trị và điều hành.
Các chủ tịch ngân hàng thế hệ 8x xuất hiện tại như Kienlongbank, VietABank, NCB, VietBank được kỳ vọng sẽ mang một luồng gió mới, giúp ngân hàng đi lên theo hướng hiện đại, năng động, đặc biệt thích ứng với công nghệ và kinh tế số, thích nghi hơn trong thời kỳ mới.
Tại NHNN, năm qua cũng chứng kiến sự thay đổi loạt nhân sự mới ở cấp cao với hai Phó thống đốc mới, cùng nhiều lãnh đạo cấp vụ.
8. Giá vàng đi lên, kỷ lục chênh giá với thế giới
Năm 2021 chứng kiến những đợt sóng lớn nhỏ của giá vàng thế giới theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 cùng các quyết sách lớn từ các nền kinh tế đầu tàu.
Giá vàng trong nước cũng đã tăng khoảng 9,5% so với cuối 2020. Giá vàng miếng SJC thường phản ứng khá nhanh với các nhịp tăng của thị trường thế giới. Giá kim loại quý này lập vùng đỉnh 61,1-61,82 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào-bán ra vào ngày 18/11 khi giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.870 USD/ounce, cùng tình hình làm phát ở các quốc gia tăng cao, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp chính sách nới lỏng và hướng tới tăng lãi suất...
Tuy nhiên, với các nhịp điều chỉnh, giá vàng trong nước lại gần như duy trì đi ngang, đôi khi còn chuyển động ngược chiều. Điều này khiến cho khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng được doãng rộng, hiện đang ở mức cao kỷ lục, quanh 11 triệu đồng/lượng. Khi chênh lệch quá lớn này không còn mang tính thời điểm, mà trở nên kéo dài thì định hình một bất cập lớn trên thị trường.
Còn về tình hình chung, trong năm 2021 thị trường vàng tương đối ổn định, không có nhiều xáo trộn xét ở khía cạnh tạo hiện tượng người dân xếp hàng đi mua vàng như giai đoạn trước đây.
9. Sôi động mua bán công ty tài chính cho nước ngoài
Năm 2021, thị trường liên tiếp chứng kiến hàng loạt các thương vụ sang tay công ty tài chính tỷ đô giữa các NHTM với nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật với mức định giá lên tới 2,8 tỷ USD. SHB ký thỏa thuận bán 100% vốn tại SHB Finance, dự kiến thu về gần 3.600 tỷ đồng. Trong khi đó, MSB cũng xúc tiến kế hoạch chuyển nhượng công ty tài chính FCCOM...
Các thương vụ trên diễn ra trong cuộc khủng hoảng COVID-19, bối cảnh mà các công ty tài chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, song những kết quả bước đầu cho thấy tiềm năng lớn ở lĩnh vực này. Bên cạnh những khoản thặng dư lớn cho các ngân hàng mẹ, các giao dịch trong năm 2021 làm nổi bật vấn đề định giá trên thị trường mà các thương vụ giai đoạn trước không đạt tới.
10. Lợi nhuận ngân hàng vẫn vượt trội trong đại dịch
Như trên, vốn điều lệ nhiều NHTM tăng được mạnh ngay trong khủng hoảng COVID như là điểm "đáng kinh ngạc" thì lợi nhuận trong đại dịch cũng là một nét tương đồng.
Thống kê của BizLIVE cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, các NHTM đã hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021, nhiều thành viên thậm chí đã vượt chỉ tiêu của cả năm. Dự kiến kết năm 2021 hệ thống sẽ chứng kiến những mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội ngay trong bối cảnh đại dịch.
Có một phần lợi nhuận hệ thống đang "tạm ứng tương lai" khi dư nợ cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm quy mô lớn như đề cập ở trên chưa phải dồn trích lập dự phòng ngay, mà được giãn ra trong khoảng ba năm.
Mặt khác, lợi nhuận ngân hàng năm qua tiếp tục cho thấy kết quả của hướng dịch chuyển mạnh sang tín dụng bán lẻ, sang tăng thu dịch vụ (đặc biệt có đóng góp lớn của kinh doanh ngoại tệ với chênh lệch rất lớn giữa giá mua vào bán ra USD, khoảng gấp đôi giai đoạn trước), cũng như có sự tranh thủ cơ hội bùng nổ trên thị trường chứng khoán...
Ngược lại, một xu hướng dường như có phần "giấu lãi" đang thể hiện rõ nét hơn khi đã có nhiều NHTM để tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu rất cao, rất khác biệt so với giai đoạn trước, khi lên tới quanh 200%, thậm chí gần 300%.
Bizlive