MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa thông tin về 10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như nâng cao năng lực, cải thiện các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới.


10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, có nhiều giải pháp khắc phục bất cập, thúc đẩy đầu tư công. Ảnh minh họa: Vneconomy

Một là, phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai.

Tiêu biểu trong đầu tư công, Bộ đã nỗ lực khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển…, tạo đột phá về hạ tầng của đất nước và các địa phương.

Bộ đã giúp giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.

Trong quy hoạch, Bộ đã trình Quốc hội qua 3 Kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch. Cắt giảm hơn 20 nghìn quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 01 quy hoạch tỉnh duy nhất.

Qua đó, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương; vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

Hai là, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tăng trưởng được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05% mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.

Ba là, thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện để các ngành, các địa phương phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bốn là, hoàn thành mục tiêu cơ bản trình, phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trong trung và dài hạn.

Năm là, tạo bước đột phá về thể chế liên kết vùng, thành lập và tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

Sáu là, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt nhiều chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân hằng tháng, hằng quý luôn cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối và tuyệt đối.

Bảy là, triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

Tám là, vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Nước ta không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

Chín là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như sản xuất chíp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài… để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.

Mười là, hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín và mở ra những cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển đất nước. Hợp tác Vành đai con đường, các hoạt động ngoại giao với Lào, Campuchia, các nước lưu vực sông Mê kông… tiếp tục được đẩy mạnh./.

Theo Phúc Khang

Báo Kiểm toán

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên