10 khu đô thị tương lai khiến thế giới thay đổi suy nghĩ về Việt Nam
Trong chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) giai đoạn 5 năm trở lại đây, hàng loạt các khu đô thị đã và đang được hình thành với quy hoạch và có tổng mức vốn đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ đã tạo nên diện mạo những khu đô thị trong tương lai của Việt Nam sánh tầm thế giới.
- 27-01-2017Diện mạo đô thị dọc hai bờ sông Sài Gòn hiện nay ra sao sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà đất?
- 26-01-2017Dự án Công viên cây xanh, thể thao: Điểm nhấn mới đô thị Hà Đông
- 23-01-2017Nha Trang kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án khu đô thị
Dưới đây là tổng hợp của phóng viên Báo Xây dựng về top 10 khu đô thị thay đổi cái nhìn của cộng đồng quốc tế về đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
1. Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM
Khu đô thị Thủ Thiêm được đánh giá là Trung tâm mới của TP.HCM, nơi được ví như Phố Đông của Thượng Hải khi sở hữu diện tích được quy hoạch 657ha. Tổng vốn đầu tư phát triển của khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam này vào khoảng trên 25 tỷ đô la Mỹ.
Hiện trạng khu đô thị Thủ Thiêm hiện đã xây dựng cơ bản xong phần hạ tầng chính gồm: đường xuyên tâm Mai Chí Thọ và Nguyễn Cơ Thạch;
4 tuyến đường chính gồm đường ven sông, đường ven hồ trung tâm, đại lộ vòng cung, đường châu thổ trên cao đã cơ bản hoàn thành; hệ thống cầu Thủ Thiêm 1-2-3-4 đang được xúc tiến mạnh để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Được bao quanh bởi sông Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) được kỳ vọng sẽ là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á và trung tâm tài chính, thương mại của khu vực trong tương lai.
Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm TP.HCM trong thế kỷ 21, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế. Đây là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp TP.HCM ngang tầm các đô thị hiện đại của khu vực và quốc tế.
Khu đô thị Thủ Thiêm cũng là nơi quy tụ của nhiều nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam và quốc tế gồm: Đại Quang Minh với dự án Khu đô thị Sa La, CII với dự án Thủ Thiêm Lakeview và Thủ Thiêm Marina; Liên doanh Tiến Phước – KeppelLand – GawCapital – Trần Thái với dự án Empire City; Vingroup vứi dự án khu phức hợp thể thao 2C; Liên doanh Lotte – Toshiba – Mitsubshi với dự án Eco Smart City; LasVegasSands với dự án casino tương tự Marina Bay Sands tại Singapore; GS E&C với dự án Xi Thủ Thiêm; Liên doanh KepplLands – HD Mon Holdings – T&T Group với dự án Sóng Việt; Sunshine Group; Sơn Kim Land, Trung Thuỷ Group...
2. Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội
Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài là khu đô thị mới hiện đại được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài được quy hoạch dọc theo hành lang tuyến đường Võ Nguyên Giáp có diện tích nghiên cứu khoảng 2.080ha với nhiều đô thị thành phần trong đó có: Khu Di tích - Lịch sử - Văn hóa, Khu Trung tâm tài chính, Thành phố giao lưu Asean... Tổng vốn đầu tư ước tính của dự án lên tới khoảng 30 tỷ đô la Mỹ.
Danh tính những nhà đầu tư lớn đã và sẽ tham gia phát triển khu đô thị này gồm: Tập đoàn BRG Group là đơn vị thực hiện quy hoạch; Tập đoàn Sun Group với dự án Công viên Kim Quy mô hình Disney Land; Tập đoàn Vingroup với dự án Trung tâm hội chợ và triển lãm Quốc gia lớn nhất châu Á; Thăng Long Invest Group; Handico; Becamex ITC,...
3. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM
Phú Mỹ Hưng là khu đô thị ra đời sớm và được phát triển đồng bộ nhất tính từ trước đến nay. Phú Mỹ Hưng nằm trên địa bàn quận 7, phía Nam TP.HCM.
Đây là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao. Dự định của các nhà đầu tư nước ngoài là biến khu đầm lầy thành một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu, là một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí… tạo động lực cho sự phát triển phía Nam và Đông Nam thành phố. Khác với quận 1 là trung tâm gắn liền với lịch sử, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng gắn liền với khái niệm hiện đại.
Trên diện tích 2.600ha tọa lạc song song với TP.HCM về phía Nam, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được phép khai thác và phát triển 5 cụm đô thị, tạo thành một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đô la Mỹ, được phát triển bởi liên doanh Central Trading Development (CT&D) của Đài Loan và Công ty IPC (Việt Nam), đại diện là Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng vận hành quản lý.
4. Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội
Nằm tại một vị trí không thể đẹp hơn với diện tích 186ha bên Hồ Tây thơ mộng, một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Hà Nội mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng biết tới.
Khu đô thị Tây Hồ Tây được định hướng trở thành Trung tâm Tài chính - Văn phòng - Dân cư cao cấp và những công trình văn hóa điểm nhấn bên Hồ Tây như Nhà hát Thăng Long, Tháp truyền hình VTV Tower cao nhất châu Á, Khu ngoại giao nơi đặt trụ sở của các quốc gia trên thế giới tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư ước tính của khu đô thị này khoảng 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Những nhà đầu tư tham gia phát triển gồm Tập đoàn Daewoo E&C là nhà đầu tư chính; Liên doanh SCIC - BRG Group - VTV (dự án tháp truyền hình VTV Tower)....
5. Khu đô thị bờ Tây sông Sài Gòn, TP.HCM
Khu đô thị Bờ Tây Sông Sài Gòn là trung tâm hiện hữu của Sài Gòn có diện tích 127ha thuộc khu quy hoạch 930ha. Đây là nơi tập trung của nhiều công trình kiến trúc và những dự án thành phần đã triển khai. Trong tương lai không xa, bờ Tây sông Sài Gòn sẽ đón nhận thêm những công trình kiến trúc mới quy mô lớn hơn đang được đầu tư xây dựng.
Theo ước tính, tổng số vốn đầu tư của các dự án dọc hành lang bờ Tây vào khoảng 6 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư lớn phát triển tại đây gồm:
Tập đoàn Vingroup, SunwahGroup, SSG Group, Him Lam Corporation, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tổng Công ty Saigontourist,...
6. Khu đô thị GS MetroCity, TP.HCM
Khu đô thị GS MetroCity được UBND TP Hồ Chí Minh giao 350ha theo chương trình hoán đổi hạ tầng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Dự án có quy mô vốn ước tính khoảng trên 3 tỷ đô la Mỹ. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn GS E&C đến từ Hàn Quốc.
GS MetroCity nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến đường Bắc Nam kết nối khu đô thị cảng Hiệp Phước và trung tâm thành phố, khu đô thị Metrocity sẽ là khu đô thị lớn nhất ở khu Nam Sài Gòn khi hoàn thành.
Khu đô thị GS MetroCity có vị trí nằm thuộc địa phận 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển, là khu đô thị với đầy đủ các chức năng khu dân cư, công viên, khu công cộng...
Quy mô Khu đô thị này được chia làm 03 khu. Khu A là Khu đô thị tuyến tính (Linear); Khu B là Khu Bán đảo trung tâm (The Center Peninsula) & Khu đô thị Cửa ngõ (Gateway City) và Khu C là Khu đô thị công viên (Park City).
Các khu chức năng của dự án gồm: Khu công trình công cộng với hai loại hình: một là công trình công cộng cấp khu ở gồm các công trình giáo dục, hành chính, trung tâm y tế và thương mại; Diện tích còn lại là loại hình các công trình công cộng cấp đô thị; Khu cây xanh bao gồm cây xanh đơn vị ở và công viên cây xanh đô thị; Đất giao thông gồm đất giao thông đơn vị ở và đất giao thông đô thị, bao gồm diện tích quảng trường. Hệ thống giao thông được phân cấp nhằm đảm bảo sự lưu thông của đô thị; Các khu chức năng khác bao gồm cây xanh chuyên dụng (cách ly tuyến điện); hạ tầng kỹ thuật trạm điện, trạm trung chuyển rác, mặt nước; Khu dân cư tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc (Khu đô thị Tuyến tính), khu vực phía Nam (Khu đô thị Công viên) và một số khu dành cho các công trình hỗn hợp thuộc trung tâm của khu đô thị mới (Khu Cửa ngõ) với nhiều loại hình nhà ở như khu nhà ở biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp,…
7. Khu đô thị Thanh Đa Bình Qưới, TP.HCM
Khu đô thị Thanh Đa Bình Qưới có địa phận thuộc phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM, là diện tích đảo tự nhiên lớn nhất thành phố được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa.
Tổng diện tích 426ha được quy hoạch trở thành đô thị phức hợp thương mại - giải trí - du lịch. Tổng vốn ước tính khoảng trên 3 tỷ đô la Mỹ.
Nhà đầu tư của dự án là liên doanh Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties đến từ Dubai.
8. Khu đô thị Ecopark, Hưng Yên
Ecopark là khu đô thị sinh thái có quy mô lớn nhất miền Bắc có diện tích phát triển lên tới 499,9ha, diện tích hơn 110ha cây xanh, hồ nước (chưa bao gồm dịên tích mặt nước tự nhiên). Dự án được chia làm 9 giai đoạn, có tổng vốn đầu tư ước tính trên 8,2 tỷ đô la Mỹ.
Dự án nằm tại địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, giáp với khu vực huyện Gia Lâm, Thanh Trì và quận Hoàng Mai của TP Hà Nội. Nằm ở phía Đông Nam TP Hà Nội, trên quy mô gần 500ha, Ecopark có một vị trí lý tưởng. Được thiên nhiên ưu đãi bao quanh bởi sông Hồng và sông Đuống, trải dài bên bờ sông Bắc Hưng Hải, tạo ra hồ điều hòa với diện tích 100ha, góp phần tạo nên môi trường và không khí trong lành đặc trưng của Khu đô thị. Đây là điểm đặc biệt của dự án mà hầu như chỉ thấy ở các nước phát triển.
Nhà đầu tư duy nhất của dự án này là Vihajico. Hiện nay khu đô thị đã đi vào hoạt động và là địa điểm tổ chức liên tục các chương trình văn hoá sự kiện lớn. Quỹ đất của khu đô thị này theo khẳng định của chủ đầu tư còn để triển khai khoảng 20 năm nữa.
9. Khu đô thị Ven Sông Hồng – Song Hong City, Hà Nội
Khu đô thị Ven Sông Hồng có diện tích nghiên cứu khoảng 3.000ha dọc hành lang hai bên bờ sông Hồng. Quy mô ước tính khoảng 7 tỷ đô la Mỹ.
Sau 22 năm đề xuất, qua tay các nhà đầu tư từ Singapore đến Hàn Quốc song dự án này vẫn nằm trên giấy, Hà Nội quyết định tái khởi động dự án này, dự kiến trở thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.
Dự án Ven Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương từ năm 1994. Theo thỏa thuận, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng. Phía Việt Nam đã thành lập một Ban dự án có trụ sở tại đường Phùng Hưng. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.
Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng". Theo quy hoạch, thành phố ven sông Hồng giai đoạn 1 sẽ trở thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.
Đồ án đã được các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam lập trong phạm vi 4.200ha đất và mặt nước, trải dài 40km sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Dự kiến dự án phải di dời 39.000 hộ dân.
Quy hoạch được chia thành 4 khu vực bao gồm: khu vực 1 từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án (Bát Tràng).
Đến nay, UBND TP Hà Nội đã đồng ý về chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu khả thi dự án này gồm Tập đoàn Sun Group, Tập đoànVingroup, Tập đoàn Geleximco,... Đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và ý tưởng được lãnh đạo TP Hà Nội xem xét, lựa chọn trước 30/3/2017 tới để cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu.
10. Khu đô thị NamTừ Liêm, Hà Nội
Đây là một trong những khu đô thị thực thi đồ án quy hoạch Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển quận Nam Từ Liêm cơ bản trở thành trung tâm mới của Thủ đô, có môi trường sống, làm việc an toàn, trong sạch, nhiều tiện nghi, môi trường đầu tư hấp dẫn, kinh tế phát triển nhanh và bền vững… với khát vọng đổi mới, tìm tòi những ý tưởng có sự khác biệt để đưa quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống bậc nhất Hà Nội”.
Quận Nam Từ Liêm được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm cũ, gồm 5 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; toàn bộ 536,34ha và 34.052 nhân khẩu còn lại của xã Xuân Phương; toàn bộ 137,75ha và 23.279 nhân khẩu còn lại của thị trấn Cầu Diễn.
Nam Từ Liêm là quận có nhiều công trình kiến trúc hiện đại và quan trọng của Thủ đô Hà Nội như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, Trung tâm triển lãm quy hoạch Quốc gia, Trung tâm đào tạo vận động viên Cấp cao Hà Nội,…
Quy mô ước tính đầu tư vào khu đô thị tại địa bàn này ước tính đạt 5 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư lớn tham gia phát triển dự án gồm: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Keangnam, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn FLC và chủ đầu tư nhân tố mới nổi HDMon Holdings...
Báo xây dựng