10 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024
10 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, gồm: Luật Căn cước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Tài nguyên nước 2023.
- 04-01-2021Luật mới, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi nào?
- 21-06-2020Infographic: Những trường hợp nào miễn giấy phép xây dựng theo luật mới?
- 11-12-2018Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới
Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước
Luật Căn cước chính thức có hiệu thi hành kể từ ngày 1/7, chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Theo đó, Luật Căn cước quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.
Bộ Công an mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Cũng từ ngày 1/7, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Theo quy định mới này, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật mới bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...
Đáng chú ý, Luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.
Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Cùng có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện: từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi nộp đơn; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay.
Cụ thể, Luật nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Bổ sung quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Cũng về các quy định cấm, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 bổ sung quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử bao gồm: Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
Một số hành vi khác bị nghiêm cấm là giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử…
Đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet
Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá.
Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có nghĩa vụ xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý sim có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác (sim rác); phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm pháp luật theo quy định của Chính phủ; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.
6 mặt hàng không áp dụng Luật Giá
Sáu mặt hàng không áp dụng Luật Giá năm 2023 gồm: giá đất (được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai); giá nhà ở (được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở); giá điện và giá các dịch vụ về điện (được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh); học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp (được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp); tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng (được chuyển giao theo quyết định bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ).
Nghiêm cấm yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 là tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm các hành vi như yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp; kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ hoặc hình thức khác không phải là mua bán hàng hóa; phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa… cũng bị nghiêm cấm.
Quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự
Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Trong đó, Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.
Quỹ được hình thành từ các nguồn tài chính: Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển
Luật Hợp tác xã năm 2023 cũng có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Luật Hợp tác xã năm 2023 có nhiều nội dung mới về nhóm quy định: Bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; tổ hợp tác và tổ chức đại diện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể.
Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều. Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng cho đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật là bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Chinhphu.vn