MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm đi ngang của ông lớn FPT: Bi kịch của kẻ số 1 và có quá nhiều tiền!

05-01-2017 - 10:43 AM | Doanh nghiệp

13/12/2006 là ngày FPT lên sàn, 170 người của FPT bỗng chốc trở thành triệu phú USD. Tập đoàn này đã mắc một căn bệnh mà Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến hài hước gọi đó là bệnh “đột kim” - bỗng dưng có quá nhiều tiền. Và FPT đã mở ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…

Câu chuyện “chửi sếp và được thăng chức Chủ tịch” của Chủ tịch HĐQT FPT Software Hoàng Nam Tiến là “huyền thoại” tại FPT một thời, và huyền thoại ấy đã cách đây chừng 20 năm.

Thời điểm đó, FPT tự hào là doanh nghiệp công nghệ số 1 tại Việt Nam. Nay, một sếp trong tập đoàn thừa nhận: FPT từng là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nhưng giờ không còn nữa.

10 năm lên sàn, vốn hóa thị trường của FPT từ 1,5 tỷ USD, nay chỉ còn chưa nổi 1 tỷ USD.

10 năm lên sàn, FPT từ vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nay đành nhường vị trí này cho Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa thị trường tăng hơn 9 lần.

Hơn 10 năm qua, trong khi vốn hóa thị trường của FPT giảm mạnh thì Vinamilk, vốn hóa thị trường chỉ bằng 70% FPT ngày đầu lên sàn, nay đã tăng tới hơn 8 tỷ USD tính đến cuối phiên giao dịch ngày 3/1/2017. Không những vậy, FPT giờ còn thua cả “đàn em” Thế giới Di động .

Từng là số 1, nhưng FPT nay bị cả "đàn em" Thế giới Di động vượt qua về vốn hóa thị trường.

Đối chiếu vị trí của FPT trong Danh sách Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report, nếu như những năm 2007 – 2009, FPT ở ngôi vị số 1, thì những năm tiếp theo, FPT ngày càng tụt bậc. Theo công bố mới cập nhật tháng trước, FPT đã tụt xuống hạng 4 trong danh sách này.

“Đột kim” – căn bệnh của kẻ bỗng dưng có quá nhiều tiền

“13/12/2006, 10 năm FPT lên sàn chứng khoán . Bây giờ mới kể lại, hôm đó trong số 11 thành viên Hội đồng quản trị, chỉ có tôi vắng mặt.

Cũng ở Sài Gòn, nhưng tôi đã quyết định không đến. Vì sao thì chẳng hiểu, nhưng thực tâm tôi không thích. Đến giờ vẫn không giải thích được, ngày rất quan trọng, ngày chung vui... Nhưng thực sự tôi không thích”.

Đây là status ông Hoàng Nam Tiến – chia sẻ trên trang cá nhân trong ngày kỷ niệm 10 năm lên sàn của FPT.

- Có người nói FPT 10 năm qua vẫn đi ngang?

- Đó là điều đáng buồn thực sự… - ông Tiến nói về doanh nghiệp mình đã “làm thuê” 23 năm.

“Tôi vẫn nhớ ngày đấy - 13/12/2006, FPT bước lên sàn. Tất cả chúng tôi khoảng 170 người FPT trở thành triệu phú USD. Lúc ấy chúng tôi bị bệnh “đột kim” – sẽ rất nhiều bạn Startup mắc bệnh ấy - bệnh đột nhiên có nhiều tiền”, ông Tiến kể.

Người “đột kim” có 2 trạng thái. Một là không lao động nữa, đi ăn, đi chơi… –trạng thái ấy rất tốt, lành mạnh cho xã hội, bởi bạn tiêu tiền và không làm hại xã hội.

Trạng thái thứ 2 của “đột kim” là nghĩ mình quá giỏi, giỏi đến mức cái gì cũng làm được. Ngày đấy tập đoàn chúng tôi mở ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quỹ, đầu tư bất động sản … Điều kỳ lạ, tất cả việc đó thất bại. Ngoài việc tập đoàn mất tiền thì cá nhân cũng mất một đống…” – ông Tiến hài hước giải thích trạng thái “đột kim” của FPT.

FPT ngày ấy ngoài việc mở TPBank (năm 2008, cùng một số đối tác), lập CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, thành lập năm 2007), còn lập Công ty TNHH Bất động sản FPT Land (thành lập năm 2007 và ông Hoàng Nam Tiến từng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc).

Ngày FPT lên sàn, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nhắm “đích đến tiếp theo của FPT sẽ là sàn giao dịch chứng khoán tại Hồng Kông và Singapore vào năm 2008”.

10 năm sau, cái đích đó vẫn quá xa vời!

Bệnh của kẻ số 1

“Điều khó nhất là đúng lúc phát triển ở đỉnh cao nhất, các bạn phải lo chuẩn bị cho thời gian tới, để không bị tụt xuống, và chết đi” – một lãnh đạo FPT chia sẻ.

“Sai lầm của chúng tôi là không tập trung vào sức mạnh cốt lõi và cho rằng mình cái gì cũng làm được”.

Tại hội thảo đào tạo “Tăng trưởng hay là chết”, ông Hoàng Nam Tiến – với tư cách giảng viên – đã vạch ra một số đặc điểm của những công ty tăng trưởng nhanh.

Một trong những đặc điểm của các công ty tăng trưởng nhanh là “Trao quyền cho tất cả các cấp trong công ty một cách rất sâu và rộng”.

Trùng hợp là điều này rất dễ thấy ở phong cách quản trị của Viettel và Thế giới Di động, nhưng dường như không còn thấy ở FPT.

Doanh nghiệp 10 tỷ USD Viettel vẫn sẵn sàng trao quyền cho những người rất trẻ. Cô gái phụ trách Marketing của Viettel Global năm nay mới 28 tuổi.

Với Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người sáng lập Thế giới Di động cũng bày tỏ ý định chuyển giao quyền lực tại công ty tỷ USD này.

“Tôi ngồi đây mà siêu thị vẫn được mở, mọi thứ vẫn được quản lý trôi chảy, đó mới là OK. Chứ doanh nghiệp lớn mà tập trung vào một người thì rất khó phát triển”, ông Tài nói.

“Triết lý của công ty là để người lắm việc nhất đưa ra quyết định chứ không phải người cao nhất đưa ra quyết định cuối cùng”.

Ông Nguyễn Đức Tài năm nay 47 tuổi.

Còn tại FPT, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình và CEO Bùi Quang Ngọc đều đã 60 tuổi.

Câu chuyện huyền thoại “chửi sếp và được thăng chức Chủ tịch” của ông Hoàng Nam Tiến cũng đã qua chừng 20 năm. Những năm gần đây, thật hiếm hoi để tìm một câu chuyện huyền thoại khác về văn hóa trao quyền cho người trẻ ở FPT.

Câu chuyện Startup khó được nuôi dưỡng trong một doanh nghiệp lớn mới đây được đưa ra mổ xẻ, và cái tên FPT lại được đưa ra làm ví dụ, dù đã lập FPT Ventures từ năm 2015.

“Trong các tập đoàn lớn, họ đều có tiêu chí, rất nhiều quy trình, quy định, KPI, đánh giá, báo cáo… Tất cả những thứ ấy sẽ tạo ra áp lực vùi dập tất cả những gì mong muốn về sự sáng tạo, mơ mộng”, ông Tiến lý giải việc khuyên Startup không nên bắt đầu bằng việc làm thuê ở các công ty lớn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vẫn có những tên tuổi Startup bước ra từ lò FPT như Tạ Sơn Tùng – đồng sáng lập kiêm CEO của Rikkeisoft – bạn trẻ từng được vinh danh trong danh sách Forbes Vietnam 30 under 30 năm 2015, ông Tiến hài hước: “Họ thành công bởi họ đã bỏ FPT Software. FPT Software bọn tôi là Software Industry (công nghiệp phần mềm), bọn tôi có quy trình, quy phạm, báo cáo, kiểm soát… có đủ các thứ trên đời, làm sao các bạn Startup sống nổi ở đấy”.

Lý giải sự thành công của những đơn vị được coi như Startup như VnExpress và FPT Telecom, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam từng hài hước trả lời trên trang cá nhân: “Có những thành công như vậy vì ngày đó FPT chưa tự coi mình là lớn…

Theo Nguyên Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên