10 ngân hàng được dân gửi tiền nhiều nhất
Lượng tiền gửi của khách hàng tại 10 nhà băng này ước tính chiếm đến gần 70% tổng lượng huy động tiền gửi cả hệ thống. Hơn 20 ngân hàng còn lại và các TCTD khác chia nhau 30% thị phần.
- 22-02-2019Năm 2018 đạt lợi nhuận kỷ lục, Vietcombank tự tin tiếp tục vươn xa
- 22-02-201914 ngân hàng Việt lọt top 500 NH mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Techcombank cao hơn VietinBank 88 bậc, Sacombank đại nhảy vọt
- 21-02-2019Báo động hệ số CAR giảm: Bài toán vốn 'mỏng' ngành ngân hàng
Những tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trái với tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi", hoạt động của các ngân hàng lập tức vào guồng và sôi động trở lại. Trên thị trường huy động tiền gửi, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt và quyết liệt, nhiều nơi điều chỉnh tăng lãi suất huy động để tranh thủ lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư sau dịp Tết.
Trong cơ cấu huy động vốn, nhiều ngân hàng trong các năm gần đây đã tích cực tìm kiếm đến các kênh huy động khác như phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, vay liên ngân hàng…Dẫu vậy, kênh tiền gửi của khách hàng vẫn là chủ đạo và bền vững nhất.
10 ngân hàng hút tiền gửi nhất năm 2018
Theo khảo sát của chúng tôi, 10 ngân hàng thương mại có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất hiện nay bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SCB, Sacombank, ACB, MBBank, SHB, Techcombank. Lượng tiền gửi của khách hàng tại 10 nhà băng này đạt khoảng hơn 5,3 triệu tỷ đồng, ước tính chiếm đến gần 70% tổng lượng huy động tiền gửi cả hệ thống (khoảng hơn 7,5 triệu tỷ đồng).
8/10 ngân hàng nói trên đã công bố báo cáo tài chính thể hiện tăng trưởng huy động tiền gửi của khách hàng khá cao so với mặt bằng chung của ngành.
Agribank và SCB tuy chưa công bố BCTC quý 4/2018 nhưng luôn có vị trí chắc chắc trong Top những ngân hàng được người dân gửi tiền nhiều nhất nhờ mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch dày đặc. Trước đó, cuối tháng 6/2018, lượng tiền gửi khách hàng ở Agribank đạt tới hơn 1 triệu tỷ, cao nhất hệ thống; còn ở SCB đạt gần 363 nghìn tỷ, là ngân hàng tư nhân hút tiền gửi nhiều nhất.
Sau Agribank, BIDV cùng VietinBank và Vietcombank là những ngân hàng hút tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế nhiều nhất. SCB đứng thứ 4, theo sau lần lượt là Sacombank, ACB, MBBank, SHB và Techcombank.
26 ngân hàng đã công bố BCTC năm 2018 có tăng trưởng tiền gửi khách hàng trung bình đạt 12,2%. Xét về tăng trưởng ở con số tuyệt đối hay tốc độ tăng, đa số các ngân hàng trong TOP 10 vẫn đạt được mức cao hơn mặt bằng chung. Chẳng hạn như BIDV tăng trưởng tới 15,1% trong năm vừa qua; hay Vietcombank tăng trưởng hơn 13% vượt 800 nghìn tỷ; Techcombank tăng gần 18%, SHB tăng 15,6%,…
Đặc điểm chung của 10 ngân hàng này trên thị trường là thường niêm yết lãi suất huy động ở mức thấp hơn các ngân hàng nhỏ, nhưng có thể thấy họ vẫn được người dân chọn gửi tiền nhiều nhất. Lợi thế của những nhà băng này nằm ở mạng lưới rộng lớn, uy tín và chất lượng phục vụ được khẳng định qua nhiều năm.
Ngân hàng nào có lợi thế lớn nhất về nguồn tiền gửi giá rẻ?
Huy động được lượng tiền lớn từ dân cư với mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn mặt bằng chung đã giúp những ngân hàng này tiết kiệm được chi phí lãi đầu vào, giảm được lãi suất cho vay và tạo được thế cạnh tranh trong tín dụng. Không những vậy, một số đang có được nguồn "tiền rẻ" lớn, giúp ngân hàng nâng biên lợi nhuận. Lượng "tiền rẻ" này có thể hiểu là các khoản tiền gửi với lãi suất cực thấp, hay cụ thể là tiền gửi không kỳ hạn, thường dùng để thanh toán của các khách hàng.
MBBank đang là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi khách hàng không kỳ hạn cao nhất. Lượng tiền này cuối năm 2018 đạt tới hơn 80 nghìn tỷ, chiếm 1/3 tổng tiền gửi khách hàng tại nhà băng.
Sau MBBank là Vietcombank có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt đến 28%. Đứng sau MBBank về tỷ lệ nhưng Vietcombank đang là ngân hàng có lượng tiền gửi KKH cao nhất hiện nay, đạt gần 227 nghìn tỷ đồng. Không những vậy, Vietcombank cùng BIDV và VietinBank thường là địa chỉ gửi tiền ưa thích của Kho bạc Nhà nước. Cuối năm 2018, lượng tiền gửi của ngân sách tại nhà băng này là hơn 87 nghìn tỷ đồng.
Tại Techcombank, tỷ lệ này cũng ở mức rất cao (27%), tăng lên khá nhanh so với mức 22% cuối năm 2017 nhờ việc đầu tư cho hệ thống thanh toán và chiến lược miễn nhiều loại phí giao dịch thời gian qua. Đa số các ngân hàng lớn còn lại duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 15-18%.
Lượng tiền gửi không kỳ hạn không chỉ là nguồn tiền rẻ giúp ngân hàng nâng biên lợi nhuận mà còn phản ánh uy tín và sức mạnh của nhà băng này. Bởi đây thường là các khoản tiền được khách hàng dùng để thanh toán, việc có được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn cho thấy đây là những nhà băng có chất lượng dịch vụ được đánh giá cao, hệ thống thanh toán có độ phủ lớn. Lấy Vietcombank, MBBank và Techcombank làm ví dụ, đây cũng là những ngân hàng có nguồn thu dịch vụ cao trong hệ thống, đặc biệt ở hoạt động thanh toán.
Trí Thức Trẻ