MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘10 nhà đầu tư rời TQ, 6 nhà đầu tư đến Việt Nam’

TS Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright, cho biết như vậy tại hội thảo về doanh nghiệp thực hiện phòng vệ thương mại và hội nhập quốc tế trước cuộc thương chiến Mỹ-Trung diễn ra ngày 7-11.

Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM tổ chức.

TS Thành dẫn số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số dự án lại tăng 25,9%. Đặc biệt, FDI ngành công nghiệp chế tạo, chế biến đăng ký mới đạt 9,1 tỉ USD, tăng tới 33,2%.

Đáng chú ý, ông Thành phân tích số liệu cho thấy trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung , cứ 10 nhà đầu tư rời Trung Quốc (TQ) thì có khoảng sáu nhà đầu tư đến Việt Nam do môi trường đầu tư thuận lợi, có dư địa phát triển. Song các doanh nghiệp TQ dịch chuyển sang nước ta chủ yếu quy mô nhỏ và vừa.

“Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội thu hút nhà đầu tư từ các nước, thay vì bị động từ các nhà đầu tư lớn như trước đây. Làn sóng dịch chuyển này có thể tác động làm tăng giá đất tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam nhưng đi kèm đó là những quan ngại về quá tải cơ sở hạ tầng, môi trường ô nhiễm” - ông Thành nói.

Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số quan ngại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam. Đó là thặng dư Việt Nam vào Mỹ tăng cao hàng chục tỉ USD. Đáng lo nhất là tình trạng hàng TQ núp bóng hàng Việt Nam rồi bán vào Mỹ để né thuế cao. Điển hình như vụ kho nhôm 4,3 tỉ USD xuất xứ TQ nghi đội lốt thương hiệu Việt chờ xuất đi Mỹ ở Vũng Tàu.

“Những vụ việc như thế này có thể khiến phía Mỹ áp dụng chế tài đối với các sản phẩm của Việt Nam. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần xem xét thấu đáo. Bởi nếu bị Mỹ áp thuế cao thì Việt Nam dễ bị tổn thương hơn TQ, do sức chịu đựng của nền kinh tế TQ tốt hơn chúng ta” - ông Thành cảnh báo.

Số liệu từ cuộc hội thảo cũng chỉ ra tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng trưởng chậm lại trong những tháng đầu năm. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang TQ giảm khá mạnh. Ngược lại, hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến, như điện thoại tăng hơn 94%, điện tử hơn 68% và máy móc, thiết bị hơn 46%.

“Với tình hình như hiện nay, Việt Nam cần bình tĩnh, ứng xử khéo léo chứ không nên dựng thêm hàng rào đối với hàng hóa TQ vì họ vẫn là đối tác lớn đối với Việt Nam. Thay vào đó, nhà chức trách cần tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ để hạn chế rủi ro” - TS Thành khuyến nghị.

Theo Phong Điền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên