10 tiêu chí được đưa ra để được phép hoạt động giao thông trở lại
Để từng bước khôi phục lại hoạt động giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, sở, ban ngành khác nhằm thống nhất xây dựng phương án lưu thông hàng hóa, vận tải trở lại trong điều kiện các địa phương đang dần nới lỏng giãn cách xã hội.
- 18-09-2021Nhiều địa phương dự báo hụt thu ngân sách
- 18-09-2021Hà Nội điều chỉnh giảm 746.000 triệu đồng đầu tư công năm 2021
- 17-09-2021Hà Nội cách ly ở quy mô hẹp nhất và tiếp tục nới lỏng thêm một số dịch vụ từ nay đến 21/9
Hiện nay, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trên địa bàn thành phố, làm cơ sở mở dần các hoạt động giao thông trở lại trong giai đoạn "bình thường mới".
Có 10 tiêu chí được đưa ra để tính Chỉ số an toàn. Để được phép hoạt động, đơn vị phải không có tiêu chí bắt buộc nào bị điểm 0 và chỉ số an toàn từ 70% trở lên.
Đối với đơn vị có chỉ số an toàn từ 60% trở lên và không có tiêu chí bắt buộc bị điểm 0 sẽ được phép hoạt động nhưng phải cam kết khắc phục để đạt chỉ số an toàn tối thiếu 70% trong vòng 2 ngày, nếu không đạt phải tạm dừng hoạt động.
Trường hợp chỉ số an toàn dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0) không được phép hoạt động.
Trong các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí 1 là người phục vụ, lái xe phải đáp ứng điều kiện về tiêm vaccine phòng Covid-19. Tiêu chí bắt buộc thứ 2 là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe xét nghiệm theo định kỳ.
Các tiêu chí bắt buộc tiếp theo gồm: thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5; trang bị dung dịch rửa tay, khử khuẩn cho xe và thùng rác có nắp đậy trên xe.
2 tiêu chí bắt buộc còn lại gồm: hạn chế số lượng người trên xe đúng theo quy định và có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Bên cạnh đó, còn có 4 tiêu chí bổ sung như: có thành lập ban chỉ đạo (tổ công tác), có kế hoạch an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến; mức độ thông thoáng của phương tiện; có vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách.
Các tỉnh phía Nam hiện đã test nhanh cho khoảng 21.000 lượt lái xe, phía Bắc đã test nhanh cho gần 32.000 lái xe.
Trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực giao thông vận tải để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động.
Tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải đang tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh, theo các hướng dẫn liên quan của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.
Công an TP.Hà Nội cũng xây dựng triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại các chốt kiểm soát, để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông. Đây là giải pháp được cho là sẽ mang lại hiệu quả chống dịch, và thuận tiện trong tham gia giao thông ra vào thành phố.
Camera quét mã QR code đã được lắp đặt tại 67 chốt kiểm soát ra vào thành phố. Đây là phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine để hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập nội đô.