100 biệt thự bỏ hoang ở Hưng Yên gần 20 năm: Vì đâu?
Sau gần 20 năm xây dựng 100 biệt thự, mỗi lô có diện tích 500 m2 tại Dự án Làng sinh thái, du lịch - đô thị đầm Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn đang bỏ hoang...
- 16-06-2023Đại gia ngành thép "chơi lớn" rót 6.000 tỷ đồng xây 10 toà Nhà ở xã hội và gần 1.000 biệt thự, liền kề tại Vĩnh Phúc
- 11-06-2023Dự án biệt thự 4.200 tỷ ở Quảng Nam 'đắp chiếu', nhà đầu tư ngồi trên đống lửa
- 09-06-2023Đón tin vui condotel, biệt thự du lịch... được cấp sổ đỏ nhưng vì sao bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm
Hoang phế Khu đô thị châu Âu...
Nằm cạnh Tỉnh lộ 205, từng là niềm tự hào của người dân địa phương, Dự án Làng sinh thái, du lịch - đô thị đầm Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) do Cty TNHH Du lịch sinh thái đô thị Châu Linh (Cty Châu Linh) làm chủ đầu tư. Khi nhường đất cho dự án, người dân hy vọng bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho con em địa phương.
Theo lãnh đạo UBND xã Dạ Trạch, dự án Làng sinh thái, du lịch, đô thị đầm Dạ Trạch của Cty Châu Linh triển khai trên địa bàn từ những năm 2004-2005, nhưng đến năm 2009 thì dừng lại. Qua tìm hiểu, UBND xã được biết chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhưng có vướng mắc vấn đề tài chính nên đã tạm dừng. Thậm chí, một số khách hàng đã cọc tiền mua biệt thự nhưng Cty Châu Linh đã phải trả lại vì không thể bàn giao giấy tờ liên quan. “Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, chứ cứ để hoang thế này vừa lãng phí quỹ đất, cũng ảnh hưởng đến địa phương”, lãnh đạo xã Dạ Trạch bày tỏ.
Theo quan sát của phóng viên, quanh dự án cỏ mọc cao gần đầu người. Hàng trăm ngôi biệt thự đang được xây dựng, hầu hết đã hoàn thiện phần mái, một phần tường bao, thậm chí có căn đã hoàn thiện đến 80%.
Ông Nguyễn Văn Tình, một người dân địa phương cho biết, năm 2004, khu đất thực hiện dự án là đất nông nghiệp. Khi thu hồi, người dân được bồi thường 16,5 triệu đồng/sào (360m2). Ai cũng mong muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động để địa phương có cơ hội phát triển về kinh tế. “Trong làng có không ít hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ dự án. Đến nay, nhiều hộ gia đình không còn đất sản xuất. Tiền bán đất không còn, người dân phải đi làm thuê kiếm kế sinh nhai” ông Tình nói.
Vướng mắc ở đâu?
Căn cứ các văn bản được UBND tỉnh Hưng Yên ban hành từ năm 2004 đến năm 2006 liên quan đến dự án, tổng diện tích đất Cty Châu Linh được giao để thực hiện dự án là 151.334m2.
Sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng hạ tầng và 100 biệt thự theo lối kiến trúc châu Âu với mỗi lô có diện tích 500m2. Tuy nhiên, khi việc xây dựng đang tiến hành thì UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 1977/QĐ-UBND ngày 30/9/2009 hủy bỏ các quyết định giao đất, thuê đất giao cho Cty Châu Linh để thực hiện dự án Làng sinh thái, du lịch - đô thị đầm Dạ Trạch.
Trong điều 2 của Quyết định này, UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Tài chính rà soát, xác định giá đất trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất của Cty Châu Linh.
Ông Lê Khánh Duy, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu cho biết, trước khi bị hủy bỏ các quyết định giao đất, cho thuê đất, thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đã được hoàn thành. Chủ đầu tư đã triển khai xây dựng trên diện tích đất được giao. Tuy nhiên, khi đang triển khai, dự án bị vướng về nghĩa vụ “tài chính” nên UBND tỉnh đã yêu cầu ngừng thực hiện dự án để rà soát. UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo để rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Cty Châu Linh.
Sau khi dự án bị dừng, chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của dự án để Cty hoàn thiện hồ sơ và triển khai dự án. UBND tỉnh cũng đã xin ý kiến Bộ Tài chính, tham khảo định mức của Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp để tháo gỡ.
Theo ông Duy, đến ngày 3/11/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 2521/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Làng sinh thái, du lịch, đô thị đầm Dạ Trạch của Cty Châu Linh. Theo đó, giá phê duyệt là 256.000 đồng/m2 (đối với đất ở nông thôn để làm biệt thự nhà vườn) và 191.000 đồng/m2 đối với đất cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng công trình dịch vụ thương mại. “Sau khi chủ đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục thực hiện xây dựng hạ tầng của dự án. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Sở TN&MT để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Duy chia sẻ.
Tuy nhiên, sáng 22/6/2023, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty Châu Linh cho biết đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với dự án trên, nhưng đến nay, Sở TN&MT Hưng Yên vẫn chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty. “Việc cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chậm trễ trong các thủ tục đã ảnh hưởng rất lớn đến Cty. Ví như, chừng ấy năm công trình đắp chiếu chất lượng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa tính đến thời gian thuê đất, lãi suất ngân hàng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, đại diện Cty nói.
Tiền phong