MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

100.000 quan chức Trung Quốc họp khẩn tìm cách phục hồi nền kinh tế sau khi bị Covid-19 tàn phá

03-06-2022 - 08:14 AM | Tài chính quốc tế

100.000 quan chức Trung Quốc họp khẩn tìm cách phục hồi nền kinh tế sau khi bị Covid-19 tàn phá

Theo truyền thông nhà nước, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn với hơn 100.000 người tham gia. Cuộc họp diễn ra khi các nhà lãnh đạo cấp cao thúc giục việc đưa ra các biện pháp mới để ổn định một nền kinh tế đang bị tàn phá bởi các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 của nước này.

Theo báo cáo trên Global Times, cuộc họp trực tuyến bất ngờ này có sự tham dự của các quan chức ở khắp các cấp tỉnh, thành phố và hội đồng. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng có mặt, bao gồm cả Thủ tướng Lý Khắc Cường, người đã thúc giục các nhà chức trách hành động để duy trì việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Viễn cảnh tồi tệ nhất

Nền kinh tế của đất nước tỷ dân đã bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau kể từ khi làn sóng Covid-19 lan rộng vào tháng 3 khiến nhiều thành phố lớn phải chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phong toả. Đáng chú ý nhất là một trung tâm tài chính như Thượng Hải phải chịu cảnh người người đều không thể rời khỏi nhà hoặc các khu vực lân cận trong suốt một tháng rưỡi.

Theo Global Times, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng ở một số khía cạnh, người ta có thể thấy được những tác động kinh tế trở nên tồi tệ hơn trong tháng 3 và tháng 4, lớn hơn cả những tác động đã xảy ra vào năm 2020 trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19. Ông chỉ ra một số chỉ số bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp giảm và vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng ngày càng nhấn mạnh về suy thoái kinh tế trong những tuần gần đây và mô tả tình hình là "phức tạp và nghiêm trọng" vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, những điều ông nói vào hôm thứ Tư đã cho thấy viễn cảnh tồi tệ nhất.

Các ngân hàng đầu tư đang cắt giảm dự báo của họ đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. UBS đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống 3%, với lý do rủi ro từ chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Trung Quốc cho biết họ dự kiến ​​tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay. Quốc gia này đã báo cáo mức tăng trưởng 8,1% vào năm ngoái và 2,3% vào năm 2020 - tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

Hội nghị trực tuyến diễn ra sau cuộc họp của Quốc vụ viện. Trong cuộc họp đó, các nhà chức trách đã công bố 33 biện pháp kinh tế mới, bao gồm tăng tiền hoàn thuế, mở rộng các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho ngành hàng không đang gặp khó khăn, theo hãng tin Tân Hoa xã.

Một số chính sách trong số 33 biện pháp trên cũng giúp giảm bớt các quy định của Covid-19, chẳng hạn như dỡ bỏ các hạn chế đối với xe tải đi từ các khu vực có nguy cơ rủi ro thấp.

Nỗ lực chạy đua với đại dịch

Theo Tân Hoa xã, Quốc vụ viện sẽ cử các lực lượng đặc nhiệm đến 12 tỉnh để giám sát việc triển khai các chính sách này.

Trong suốt thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã tuân thủ chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt nhằm mục đích loại bỏ tất cả các khả năng lây truyền diện rộng. Nước này đã sử dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, cách ly bắt buộc, xét nghiệm hàng loạt và phong toả nhanh.

Nhưng chiến lược này đã bị thách thức bởi loại biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Đại dịch đã bùng phát trên toàn quốc vào đầu năm nay bất chấp việc các nhà chức trách đang chạy đua để phong toả các quận và biên giới liên tỉnh.

Theo tính toán của CNN, đến giữa tháng 5, hơn 30 thành phố đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến 220 triệu người trên toàn quốc. Cả cung và cầu đều bị phá huỷ khi các ngành Big Tech hay hàng tiêu dùng đều không thể thoát khỏi sự tàn phá của đại dịch.

Mặc dù một số thành phố trong số đó đã mở cửa trở lại, tác động của sự gián đoạn đó vẫn còn hiện diện với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ đợt bùng phát Covid-19 vào đầu năm 2020.

Nhiều công ty đã buộc phải tạm ngừng hoạt động, trong đó có các hãng xe Tesla và Volkswagen. Airbnb là công ty đa quốc gia mới nhất rút lui khỏi cuộc chơi.

Cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết rõ ràng. Các nhà chức trách vẫn đang chật vật để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút và các nhà lãnh đạo hàng đầu vẫn kiên quyết thúc đẩy việc triển khai chính sách Zero-Covid.

Thủ đô Bắc Kinh cũng đã chứng kiến các ca nhiễm gia tăng trong vài tuần qua. 7 quận của thành phố này đã bị phong toả một phần gây ảnh hưởng đến gần 14 triệu cư dân. 2 quận lớn nhất của thành phố là Triều Dương và Hải Điến cũng buộc phải đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu bao gồm trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục và địa điểm giải trí.

https://cafef.vn/100000-quan-chuc-trung-quoc-hop-khan-tim-cach-phuc-hoi-nen-kinh-te-sau-khi-bi-covid-19-tan-pha-20220602163948369.chn

Minh Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên