100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp là hết sức cần thiết
Theo đại diện NHNN, không phải các ngân hàng cứ để 100.000 tỷ đồng để chờ cho vay mà việc sử dụng này sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của các DN.
- 06-05-2017“Giải cứu lợn là chuyện cực chẳng đã”
- 05-05-2017Giải cứu chăn nuôi lợn: Không phải cứ cho vay để càng nuôi càng lỗ
- 04-05-2017Hai ngân hàng đầu tiên vào cuộc giải cứu ngành chăn nuôi lợn
Tại buổi họp báo Chính phủ về Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp chiều 17/5, phóng viên đã đặt câu hỏi với Chính phủ rằng, chúng ta đang có một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ để phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, có một vấn đề là chúng ta vừa phải tiến hành giải cứu lợn, trước đó thì chúng giải cứu dưa hấu, vải... Một nền nông nghiệp còn khá manh mún, nhỏ lẻ nhưng hình như có dấu hiệu sản xuất thừa. Khi chúng ta tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thì bài toán thừa sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước hết, về việc giải cứu lợn, dưa hấu, chúng ta đã có quá nhiều thông tin. Vấn đề này cũng được làm rất rõ rồi. Chính phủ cũng như các bộ ngành rất quyết liệt xử lý, đã có hiệu quả trong thời gian gần đây rồi.
Nhưng cũng phải hiểu lợn thừa, dưa hấu thừa, không phải chỉ do yếu tố trong nội tại nền kinh tế của chúng ta, tức là do giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu mà có thể còn những nguyên nhân khách quan, như vấn đề xuất khẩu hay vấn đề khác, tạo ra sự đột biến tạo ra thừa có tính chất rất cấp bách như vừa qua. Bình thường, những năm trước, câu chuyện nuôi lợn, tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu không có vấn đề đột xuất như vừa qua.
"Đối với gói 100.000 tỷ, lần họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, sau họp báo có một phóng viên hỏi tôi, gói 100.000 tỷ có thừa không, có nhiều quá hơn hay là ít. Tôi nói rằng bây giờ chưa thể nói ngay được vấn đề gói 100.000 tỷ này nhằm để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là thừa hay thiếu. Bởi lẽ nếu như nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của tiêu dùng trong nước cũng như có điều kiện để xuất khẩu những sản phẩm từ công nghệ cao này tích cực thì gói 100.000 tỷ này chưa chắc đã đủ để cho DN, dự án phát triển trong lĩnh vực này.
Ngược lại, nếu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bảo đảm đạt mục tiêu hay là vẫn ở mức độ thấp thôi, thì có khi gói 100.000 tỷ này cũng có thể chưa dùng hết. Tuy nhiên, về phía Ngân hàng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NN&PTNT thì ngành ngân hàng chủ động dành ra 100.000 tỷ, nhưng không phải cứ để riêng 100.000 tỷ để chờ cho vay. Trong ngân hàng, gói 100.000 tỷ là khi nào dự án cũng như các DN có nhu cầu, và thấy có hiệu quả và có thể giải ngân thì thực hiện giải ngân. Vì vậy, không có sự thừa lãng phí hay là 100.000 tỷ không dùng mà để đấy.
Việc sử dụng 100.000 tỷ này cho nhu cầu của các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một định hướng chỉ đạo, xu hướng hết sức cần thiết trong lúc này bởi có thực hiện được mục tiêu này, yêu cầu này thì sản phẩm trong nông nghiệp của chúng ta mới có thể cạnh tranh được không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới." - đại diện NHNN nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông bổ sung thêm rằng, "Về gói 100.000 tỷ, tôi phải nói rằng lợn, dưa hấu, vải không phải là sản xuất nhỏ nữa, mà là sản xuất lớn theo quy mô của tổng sản phẩm, nhưng nhỏ theo khía cạnh là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trong Luật Hỗ trợ DNNVV chúng tôi có đưa ra 1 trong 3 chương trình quan trọng hỗ trợ cho DN tham gia vào các cụm liên kết ngành. Đấy là bước đi để xử lý tình trạng bất cập, như thừa lợn, dưa hấu, vải… như chúng ta vẫn làm, tình trạng được mùa mất giá.
Chỉ có cách, thứ nhất là phát triển theo tư duy cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, tất cả những người giỏi nhất, DN tốt nhất, công nghệ tốt nhất trong chuỗi giá trị đấy được tham gia vào để nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả.
Thứ hai là phải vào tổ chức với nhau, nếu là DN lớn thì không kể, nhưng nếu là các hộ gia đình thì họ phải vào tổ chức của họ, có thể là hiệp hội nhưng cũng có thể theo chủ trương rất mạnh mẽ mà chưa triển khai được nhiều là mô hình HTX, bước tới là Liên hiệp HTX để họ có những tổ chức pháp nhân chính thức, để bước ra thị trường một cách chững chạc, ngang ngửa về sức mạnh so với các DN ở trên thương trường trong nước cũng như quốc tế. Chỉ có bằng cách đó họ mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo thương mại chính ngạch thay vì theo thương mại tiểu ngạch, tùy theo quyết định của người mua, dẫn tới thiệt hại.
Bài toán lâu dài để xử lý vấn đề lợn, dưa hấu, vải... và những câu chuyện được mùa mất giá phải đi vào căn cơ như vậy. Chúng ta đi vào kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế thế này, thì chỉ có sản xuất kinh doanh theo kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết thì mới có sức mạnh. Chừng nào chúng ta không thuyết phục được người sản xuất, không thuyết phục được bà con, hộ nông dân tin tưởng vào sức mạnh của tập thể, cách đi theo cụm liên kết ngành như vậy, chừng đó chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi trên thị trường thôi."