100.000 USD có thể là mục tiêu tiếp theo của bitcoin
Trong phiên giao dịch ngày 11/3, đồng bitcoin đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức hơn 72.000 USD/BTC, giữa lúc đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này đang nhận được lực đẩy từ nhiều yếu tố thuận lợi.
Phiên này, bitcoin có thời điểm chạm mức 72.717 USD/BTC, qua đó kéo dài chuỗi ngày liên tục xô đổ các kỷ lục từ tuần trước, khi đồng tiền này phá kỷ lục được xác lập hồi tháng 11/2021 là 68.991 USD/BTC.
Bitcoin được hỗ trợ hơn nữa trong ngày 11/3 sau khi Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) cho biết sẽ cho phép tạo ra các loại chứng khoán liên quan đến tiền số. Trước đó, giới chức Mỹ đã bật đèn xanh cho các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay, giúp các nhà đầu tư chính thống có thể dễ dàng đưa bitcoin vào danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, sự kiện "halving" vào tháng tới cũng hỗ trợ giá bitcoin mạnh mẽ trong thời gian gần đây vì sự kiện này sẽ thắt chặt nguồn cung bitcoin. Bitcoin Halving hay còn gọi là chia đôi khối là quá trình giảm tốc độ tạo ra tiền mã hóa mới. Thuật ngữ này còn có thể hiểu là quá trình giảm phân nửa số tiền thưởng cho miner (thợ đào) khi khai thác một khối bitcoin mới. Mục đích của việc chia đôi khối nhằm tránh nguy cơ lạm phát cho đồng coin lớn nhất thế giới này. Việc này khiến cho nguồn cung bitcoin bị hạn chế, và cuối cùng sẽ chỉ có không quá 21 triệu đồng bitcoin trên thế giới. Đó thường là yếu tố đằng sau một đợt tăng giá mới.
Ngoài ra, đà tăng của bitcoin còn được tiếp sức từ sự suy yếu của đồng USD, khi số liệu việc làm mới đây của Mỹ đã củng cố những đồn đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trên đà hướng đến việc hạ lãi suất vào tháng Sáu.
Chuyên gia Fiona Cincotta của công ty tài chính City Index cho biết thị trường tiền số đã tăng đến 350% từ mức thấp của năm 2022 và hầu như chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà dự đoán 100.000 USD/BTC có thể là “mục tiêu tự nhiên tiếp theo” của bitcoin, song vẫn cảnh báo rằng đồng tiền này có thể rớt giá nhanh như đà tăng của nó.
Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, sự khác biệt quan trọng nhất của làn sóng bitcoin trong những tháng gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn. Ông Nathan McCauley, Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng tài sản kỹ thuật số Anchorage Digital, nói: “Các tổ chức đầu tư tài sản truyền thống từng đứng ngoài cuộc. Hiện nay, họ là là động lực tăng trưởng chính của thị trường tiền điện tử".
Trong một báo cáo vừa phát hành gần đây, các nhà phân tích từ ngân hàng Deutsche Bank cho biết, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin giao ngay mới đã thu được gần hàng tỷ USD tài sản tiền kỹ thuật số, kể từ khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt các quỹ này vào ngày 10/1. Quỹ Black Rock và Fidelity, hai trong số những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới có cung cấp quỹ ETF bitcoin giao ngay, đã nhận lần lượt hơn 9,2 tỷ USD và 5,3 tỷ USD dòng vốn chảy vào bitcoin.
Mới đây, BlackRock đã nộp hồ sơ lên SEC để đăng ký mua bitcoin ETF cho Quỹ phân bổ toàn cầu Global Allocation Fund của mình. Một động thái được cho là nhấn mạnh hơn mục tiêu BlackRock đối với việc tích hợp bitcoin vào trong các danh mục đầu tư chính thống của quỹ này.
Nhà phân tích Marion Laboure thuộc Deutsche Bank nói: “Thế giới tiền điện tử đang dần hướng tới sự thể chế hóa lớn hơn, khi những người chơi tài chính truyền thống tham gia vào thị trường”.
Theo dữ liệu giao dịch tiền số từ The Block, giới đầu tư ở châu Ấ là động lực phía sau đà khởi sắc mạnh mẽ của bitcoin trong thời gian gần đây, khi chiếm đến gần 70% khối lượng giao dịch bitcoin, gần giống với năm 2021 khi đồng tiền này chạm các mức cao lịch sử.
Châu Á chiếm 791 tỷ USD trong số 1.170 tỷ USD giá trị bitcoin được giao dịch trong tháng Hai, bỏ xa các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ với khối lượng giao dịch 113 tỷ USD.
Báo tin tức