1.001 chiêu hóa kiếp đường Thái thành đường Việt Nam
Họ mang bao bì in logo, nhãn hiệu ở Việt Nam sang Campuchia sang chiết vào bao rồi vận chuyển đường qua sông đưa về Việt Nam...
- 01-05-2018Ngành mía đường lao đao vì tồn kho và đường lậu
- 20-06-2017Bắt giữ hơn 8 tấn đường lậu ở vùng biên Lao Bảo
- 25-05-2017Đường lậu Thái Lan biến tướng, VN mất 1.800 tỉ đồng/năm
Đủ kiểu hóa kiếp đường lậu
Thông tin tại hội nghị giao ban công tác phối hợp 19 chi cục quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành khu vực phía Nam vừa diễn ra ngày 29-6 tại Hậu Giang cho biết: Đối với đường cát Thái Lan, trên tuyến biên giới hình thành các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường phèn; các đối tượng vận chuyển từ biên giới đưa thẳng vào đây để sơ chế, hoặc thay đổi bao bì, nhãn mác sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Đối diện biên giới nước ta có 16 kho hàng, trong đó chủ yếu là các mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài như thuốc lá, đường cát Thái Lan, rượu bia…
“Lực lượng buôn lậu sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi mà chúng ta khó có thể kiểm soát được. Theo đó, họ mang bao bì in logo, nhãn hiệu ở Việt Nam sang Campuchia sang chiết vào bao rồi vận chuyển đường qua sông đưa về Việt Nam.
Thủ đoạn họ tinh vi đến mức họ khuấy, nấu thành đường phèn hoặc đường lỏng đem về Việt Nam. Tính chất đường được làm từ mía nên chúng ta không phân biệt được đường nào của ta, đường nào của Thái” - ông Nguyễn Hoàng Vân , Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho hay.
Bên cạnh đó, một vấn đề nhức nhối trong buôn lậu đường là việc đối tượng buôn lậu lợi dụng quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu các bộ hồ sơ bán hàng phát mại để hợp thức hóa đường cát nhập lậu.
Theo đó, đường lậu sau khi tập kết thường được gỡ bỏ bao bì, nhãn mác hoặc được in theo bao bì, nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước; sau đó được sang chiết, đóng gói thành cây đường bằng bao xi măng không nhãn mác vận chuyển đi tiêu thụ.
Hợp thức hóa đường lậu
Điều đáng nói, đường lậu được các doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, chủ yếu ở một số tỉnh vùng ĐBSCL, cấp phép kinh doanh sản xuất chế biến kinh doanh mặt hàng đường, thường đóng bao (1 kg hoặc 50 kg) ghi nhãn mác của doanh nghiệp nhưng không rõ ràng về nơi sản xuất, chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Cùng chung ý kiến trên, ông Phạm Quốc Doanh , Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết từ sau chuyên án Tỷ đường (An Giang) nhận định:
Đường nhập lậu hoạt động công khai, bán hàng như đường trong nước. Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào, Campuchia, được chuyển lậu bằng đường bộ và thủy vào nước ta, sau đó được tập kết và vận chuyển bằng ô tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ (kho của các doanh nghiệp thương nhân)...
"Tình trạng biến đường lậu thành đường Việt Nam, làm giả bao bì, gian lận thương mại mặt hàng đường, vi phạm sở hữu trí tuệ của các thương nhân, doanh nghiệp tại các địa phương, tổ đi khảo sát nhận thấy hành vi vi phạm quy định Nghị định số 43 của Chính phủ về nhãn hàng hóa” - ông Doanh nói.
Để giải quyết triệt để khó khăn trên, Chi cục QLTT An Giang đề nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý hiệu quả hóa đơn, chứng từ có liên đến hồ sơ bán đấu giá đường cát bị tịch thu nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các loại hóa đơn, chứng từ này để quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu.
Thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đối với hàng nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá, giám định mặt hàng đường cát.
Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào, Campuchia được chuyển lậu bằng đường bộ và thủy vào nước ta. Ảnh: HĐ
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam mà đã có cả đường tạm nhập tái xuất, sản xuất hàng xuất khẩu.
Về hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai dưới nhiều hình thức như: Đối với đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì, nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép hoạt động "sản xuất, chế biến, kinh doanh" mặt hàng đường thường đóng bao 1 kg hoặc 50 kg, ghi nhãn mác không rõ ràng như: Về chất lượng thường ghi đường mía Việt Nam chất lượng cao, đường luyện xuất khẩu, hàng cát và in nhãn thương hiệu hàng Việt nam chất lượng cao; về nơi sản xuất, ngày sản xuất: thường ghi sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam, không ghi ngày sản xuất…
Pháp luật TPHCM