11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức cả năm 2021
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt 673,82 tỷ USD, vượt cả năm 2021.
- 01-12-2022Kim ngạch xuất khẩu từng xếp thứ 80/168 thế giới, mất bao lâu Việt Nam mới vươn lên vị trí thứ 21?
- 29-11-2022Xuất khẩu "lạnh" đột ngột, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp dệt may lâm vào thế khó
- 27-11-2022Các nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD nửa đầu tháng 11 năm 2022
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt kết quả này đã vượt cả năm 2021. Theo Bộ Công thương đây là số liệu khả quan trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang có tín hiệu chậm, chững đơn hàng trong quý 4.
Để có thể đạt được kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm nay vượt kết quả cả năm trước phải kể đến kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng 13,4%, nhập khẩu ở mức hơn 10%.
Đáng chú ý, có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng chủ lực xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng 13,4%, nhập khẩu ở mức hơn 10%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Với kết quả trên, tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.
Cụ thể, các nhóm ngành khoáng sản, nông lâm thủy sản, công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất từ hơn 11 - 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Cuối năm là giai đoạn chuẩn bị nguồn hàng cho dịp lễ lớn, nên những mặt hàng thực phẩm có thể có lợi thế như nhóm nông sản, thực phẩm, hoặc nhóm hàng điện tử. Xuất khẩu 11 tháng đạt kết quả khả quan, doanh nghiệp đã nỗ lực chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó Nghị định 128 đã phát huy tác dụng khi doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động, phục hồi sản xuất, điều này tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Trong thời gian tới, để ứng phó với những khó khăn từ việc đơn hàng giảm từ thị trường thế giới, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Công tác thông tin, tháo gỡ khó khăn về thị trường, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA thế hệ mới cũng sẽ được Bộ tiếp tục chú trọng.
VTV.VN