11 tháng: Thoái vốn 59 doanh nghiệp tại SCIC, lãi 2.300 tỷ đồng
Phần vốn góp tại 59 doanh nghiệp với giá trị là 1.489 tỷ đồng đã được chuyển nhượng với giá 3.844 tỷ đồng. Tỷ lệ kết quả thu về của SCIC đạt 2,58 lần mệnh giá. Trong khi SCIC thoái vốn giá "hời", 5 lĩnh vực nhạy cảm tiếp tục bị thoái dưới giá vốn, lỗ 40 tỷ đồng.
SCIC thoái vốn giá "hời", 5 lĩnh vực nhạy cảm tiếp tục bị thoái dưới giá vốn
Theo báo cáo về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp 11 tháng đầu năm 2016 của Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng. Tỷ lệ kết quả thu về gấp 1,84 lần mệnh giá.
Tuy nhiên, việc thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm tiếp tục phải thoái dưới giá vốn. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2011- 2015, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. Nhóm 5 lĩnh vực nhạy cảm ở đây bao gồm: Chứng khoán, Bảo hiểm, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản và Quỹ đầu tư.
Trong khi đó, thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác giúp thu về 2.273 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách phần vốn góp được thoái (1.578 tỷ đồng).
Thoái vốn ở SCIC tiếp tục cho kết quả tốt. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, SCIC đã bán vốn tại 59 doanh nghiệp với giá trị là 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng. Tỷ lệ kết quả thu về của SCIC đạt 2,58 lần mệnh giá.
Từng chia sẻ trước đây tại Hội thảo NDH Talk2 với chủ đề “Thị trường chứng khoán 20 năm và bước chuyển của dòng vốn ngoại”, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từng nhận định minh bạch và chuyên nghiệp là hai yếu tố quan trọng nhất giúp SCIC đạt được hiệu quả trong thoái vốn. Tỷ lệ kết quả thu về của SCIC đạt trung bình 2,5 lần mệnh giá trong khi tại các Tổng công ty khác tỷ lệ này chỉ là là 1,5-1,7 lần.
Về tình hình tái cơ cấu DNNN 11 tháng năm 2016, trong tháng 11, đã có thêm 5 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa qua đó nâng số lượng lũy kế 11 tháng đầu năm lên 56 doanh nghiệp, trong đó có 06 Tổng công ty nhà nước với tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Theo phương án sắp xếp, vốn điều lệ của 56 doanh nghiệp này đạt 24.379 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.
Sẽ có Nghị định mới về cổ phần hóa DNNN
Đối với hoạt động cổ phần hóa, Bộ Tài chính đang thực hiện và hoàn thiện các dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN.
Định hướng trong tháng 12, Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP). Nghị định này sẽ làm cơ sở pháp lý để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp với đối tượng cổ phần hóa và yêu cầu giai đoạn mới.
Quá trình cổ phần hóa sẽ tiếp tục gắn kết với việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động với doanh nghiệp; đảm bảo cho các nhà đầu tư sau khi mua cổ phần lần đầu sẽ được thực hiện giao dịch trên thị trường; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia trong quá trình cổ phần hóa.
Trên thị trường chứng khoán 11 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 114 quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính đối với 63 tổ chức và 51 cá nhân, tổng số tiền phạt 10,9 tỷ đồng; đồng thời, hoàn thiện Nghị định số 145/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo hướng bổ sung, sửa đổi các hành vi mới.
NDH