12 lời khuyên sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới: Khỏe hay yếu phụ thuộc vào chính bạn
Chăm sóc sức khỏe là việc đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của từng cá nhân, không ai có thể làm thay cho bạn. Đây là 12 bí quyết giúp bạn làm căn cứ để tham khảo và áp dụng.
- 06-10-20175 sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc sức khỏe: Càng áp dụng, bệnh càng thêm nặng
- 26-09-2017Những điều cần biết về nhiễm độc sắt để bảo vệ sức khỏe bản thân
- 25-09-2017Muốn giữ sức khỏe bằng cách ăn uống, thì phải tuân thủ công thức "4 ít, 4 nhiều"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra 12 lời khuyên dành cho người dân trên toàn thế giới để duy trì một sức khỏe toàn diện. Đây giống như bí quyết để bạn có thể sống khỏe mỗi ngày, bất kỳ ai cũng nên tham khảo.
Bạn hãy đọc và đánh dấu lại xem mình đã làm được đến đâu, nếu số việc bạn thực hiện được càng nhiều, thì sức khỏe của bạn càng được đảm bảo.
1. Ăn uống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp chống suy dinh dưỡng, tăng cường chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và cải thiện hệ miễn dịch , giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm và không lây (tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và ung thư…). Năng lượng nhận vào cơ thể phải cân bằng với năng lượng sẽ có thể tiêu hao.
2. Hoạt động thể lực mỗi ngày với thời gian và cường độ phù hợp tình trạng sức khỏe
Hoạt động thể lực không đủ là 1 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Đó cũng là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến những bệnh không lây nhiễm. "Hoạt động thể lực", theo WHO, không chỉ là "tập luyện" mà còn là những vận động cơ thể đòi hỏi tiêu tốn năng lượng như hoạt động khi làm việc tại công sở, chơi đùa, làm việc nhà…
Đối với người từ 18 – 64 tuổi, mỗi tuần nên hoạt động thể lực ít nhất 150 phút ở mức độ trung bình hoặc 75 phút ở mức độ mạnh.
3. Tiêm phòng
Các chuyên gia y tế cho rằng tiêm phòng có thể ngăn chặn từ 2 – 3 triệu cái chết mỗi năm.
4. Không hút thuốc lá, nếu đã hút thì nên bỏ
Hút thuốc không chỉ gây tổn hại cho chính bạn về mặt sức khoẻ và kinh tế mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh bởi tình trạng hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc.
Nếu đã hút thuốc, bạn cũng nên hạ quyết tâm cai càng sớm càng tốt. Chỉ sau 20 phút cai thuốc, sẽ giảm được nhịp tim và huyết áp; trong 12 giờ sau, lượng khí CO (cạnh tranh với oxy) trong máu về mức bình thường.
5. Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu, bia
Việc uống rượu bia có lẽ là điều không thể thiếu trong những cuộc giao lưu. Tuy nhiên, nó cũng mang đến nhiều hậu quả cho sức khoẻ và xã hội liên quan đến việc ngộ độc và lệ thuộc.
Ngoài những bệnh mãn tính có thể phát triển ở người uống nhiều rượu, bia trong nhiều năm, nó cũng làm tăng nguy cơ các tình trạng sức khoẻ cấp tính như chấn thương, tai nạn giao thông. 25% trường hợp tử vong từ 20 – 39 tuổi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.
6. Kiểm soát stress (căng thẳng)
Stress gây nhiều tác hại hơn người ta nghĩ, ảnh hưởng đến não, tim, phổi, dạ dày, mắt, đầu, cổ và làm giảm chất lượng sống. Lâu dài, stress làm giảm hệ miễn dịch, gây trầm cảm, lo lắng, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.
7. Thực hành vệ sinh tốt
Vệ sinh môi trường sống của bạn gọn gàng và sạch sẽ để phòng các bệnh truyền nhiễm. Có thói quen rửa sạch tay.
8. Không phóng nhanh hoặc uống rượu bia khi lái xe
Phóng nhanh và uống rượu bia khi lái xe là hai nguyên nhân chính gây ra các tai nạn giao thông trên toàn cầu.
9. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe hơi
Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, thắt dây an toàn nếu đi xe hơi và không bao giờ lái xe sau khi uống rượu, bia. Mỗi năm cả thế giới có khoảng 1,25 triệu ca tử vong do tai nạn giao thông, phần lớn ở những nước thu nhập thấp.
Đa số ca tử vong khi đi xe máy là do chấn thương đầu. Vì thế đội mũ bảo hiểm đúng cách có thể làm giảm 40% nguy cơ tử vong, giảm 70% nguy cơ chấn thương nghiêm trọng. Trong khi đó, nếu thắt dây an toàn sẽ làm giảm 50% nguy cơ chấn thương nặng cho người ngồi trước và 75% cho người ngồi sau.
10. Thực hành tình dục an toàn
Ở nam giới, cần sử dụng bao cao su để phòng ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và HIV. Mỗi ngày toàn thế giới có hơn 1 triệu ca STIs tạo thành gánh nặng lớn và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Chlamydia, lậu và giang mai là ba bệnh STIs có thể được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên do thường bị bỏ sót chẩn đoán và kháng kháng sinh, chúng ngày càng trở nên rất khó điều trị.
11. Khám sức khỏe định kỳ
Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bệnh ung thư. Với các bệnh khác cũng vậy.
Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán sớm những bệnh nguy hiểm như: Tiểu đường, xơ gan, ung thư, cao huyết áp, suy thận, các bệnh về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả các rối loạn về tâm thần… từ đó có chiến lược điều trị kịp thời.
12. Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho trẻ sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc đời. Đây là lý do tại sao WHO khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Và một điều vô cùng quan trọng là nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho bé, mà còn tốt cho sức khỏe của mẹ.
*Theo Health/Sina
Trí thức trẻ