[14h chiều nay] Lĩnh vực, ngành nghề nào còn dư địa để "trỗi dậy"?
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết năm 2021, nền kinh tế sẽ "về đích" với kết quả ra sao? Những lĩnh vực nào sẽ giành vị trí quán quân trong cuộc đua phục hồi sau khủng hoảng?
- 07-11-2021Trỗi dậy sau khủng hoảng
Lần đầu tiên sau rất nhiều năm Đổi mới, GDP Việt Nam chứng kiến mức giảm 6,17% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, khoảng 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Như vậy, bình quân 1 tháng có khoảng 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những con số này đặt ra những nhiệm vụ vô cùng thách thức trong việc phục hồi kinh tế những tháng còn lại của năm.
Vậy cơ hội phục hồi nằm ở đâu?
"Tôi thấy ngành nào cũng có cơ hội, có ngành đi trước có ngành đi sau nhưng nên tính cơ hội theo nghĩa tổng thể và mỗi ngày đều phải tìm thấy, các cơ hội nhận diện cho mình để chuẩn bị" - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Chuyên gia này cho rằng: Để nền kinh tế đứng dậy và chớp thời cơ thì yêu cầu bắt buộc phải để cho doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy thật nhanh, chứ không thì gay go. Lúc ấy, chúng ta phải chấp nhận một giải pháp mạnh, thậm chí là bội chi ngân sách, vay của những gói cứu trợ trực tiếp lớn.
Mới đây, một gói kích cầu lớn với quy mô lên tới 10% GDP đã được đề xuất. Gói hỗ trợ này có phải quá lớn? Sẽ ưu tiên cho lĩnh vực, ngành nghề hay doanh nghiệp nào? Ngoài gói hỗ trợ, những động lực nào sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc trong những tháng còn lại của năm?
14h chiều nay, PGS. TS Trần Đình Thiên sẽ có cuộc trao đổi với Trí Thức Trẻ để giải đáp những vấn đề trên.