MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.500 tỷ USD vốn hóa bốc hơi, từ Tencent đến Alibaba đều chạm đáy nhưng dòng vốn vẫn tiếp tục tháo chạy, cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới

21-08-2021 - 12:44 PM | Tài chính quốc tế

1.500 tỷ USD vốn hóa bốc hơi, từ Tencent đến Alibaba đều chạm đáy nhưng dòng vốn vẫn tiếp tục tháo chạy, cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới

Liệu chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đi xa đến đâu trong việc định hình lại các tập đoàn lớn nhất cả nước, và có thể tìm thấy cơ hội ở đâu chính là những câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư đang cố gắng thích nghi với bối cảnh mới.

Kể cả sau khi cơn báo tháo đã khiến 1.500 tỷ USD giá trị vốn hóa nhanh chóng bốc hơi, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là lúc thích hợp để các nhà đầu tư bắt đáy trong bối cảnh rủi ro đe dọa các cổ phiếu công nghệ vẫn còn đó.

Trong đợt bán tháo được kích hoạt bởi chiến dịch trấn áp các công ty công nghệ mà Chính phủ Trung Quốc ráo riết thực hiện trong những tuần gần đây, hệ số P/B của cổ phiếu Tencent đã giảm xuống mức thấp hơn cả khủng hoảng tài chính 2008. Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong rơi xuống mức thấp kỷ lục trong lúc chỉ số Hang Seng tuần qua cũng đã rơi vào "thị trường con gấu".

Tuy nhiên bất chấp mức định giá lao dốc không phanh, dòng tiền từ các quỹ vẫn ồ ạt ra đi. "Tôi không nghĩ rằng xu hướng này sẽ sớm chấm dứt", Alex Au, giám đốc điều hành của Alphalex Capital Management nói. Ông đã bán sạch các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trong tháng trước và 2 tuần qua tập trung tăng vị thế bán tại những cổ phiếu mà ông từng ưa thích. "Các nhà đầu tư thực sự cần phải đánh giá lại những rủi ro khi đầu tư ở Trung Quốc".

Tuần này Tencent cảnh báo các nhà đầu tư rằng ngành công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp tục bị siết chặt quản lý hơn nữa. Không ít người đồng tình với quan điểm của Au rằng hiện công nghệ là ngành dễ bị tổn thương nhất trong chiến dịch trấn áp đã làm đảo lộn nhiều lĩnh vực, từ giáo dục và thương mại điện tử đến dịch vụ chia sẻ xe.

1.500 tỷ USD vốn hóa bốc hơi, từ Tencent đến Alibaba đều chạm đáy nhưng dòng vốn vẫn tiếp tục tháo chạy, cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới - Ảnh 1.

Hệ số P/B của Tencent xuống thấp nhất kể từ 2005. Nguồn: Bloomberg.

Kể từ khi lập đỉnh hồi tháng 2, 4 ông lớn công nghệ gồm Tencent, Alibaba, Kuaishou Techonology và Meituan đã mất hơn 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Hang Seng Tech Index, chỉ số theo dõi những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã giảm hơn 40% trong cùng kỳ. Tổng cộng các thành viên trong chỉ số này mất 1.500 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Liệu chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đi xa đến đâu trong việc định hình lại các tập đoàn lớn nhất cả nước, và có thể tìm thấy cơ hội ở đâu chính là những câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư đang cố gắng thích nghi với bối cảnh mới.

Dò dẫm trong bóng tối

Xét trong hoàn cảnh đầy rẫy những yếu tố pháp lý khó đoán như hiện nay, thật khó để có thể nói là các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đang ở mức giá rẻ. "Nếu như lợi nhuận tiếp tục giảm thì mức giá hiện nay vẫn đắt. Chúng ta không biết đáy ở đâu", Sean Taylor, lãnh đạo của DWS nhận định trên Bloomberg TV.

Các nhà đầu tư đại lục – những người đã mạnh tay mua vào khi khối ngoại bán tháo hồi tháng 2 và tháng 3 – cũng bán ròng cổ phiếu Tencent kể từ tháng 6 đến nay, theo dữ liệu của Blomberg.

Li Weiqing, nhà quản lý quỹ tại JH Investment Management, cho rằng dấu hiệu mua vào sẽ chỉ xuất hiện khi chính phủ đưa ra những chính sách rõ ràng hơn. Li đã bán các cổ phiếu internet từ quý IV năm ngoái và quyết định sẽ "đứng ngoài quan sát" ở thời điểm hiện tại.

Môi trường chính sách khó khăn hơn buộc các công ty phải thu hẹp các kế hoạch mở rộng, trong khi luật chống độc quyền đẩy tăng mức độ cạnh tranh. Lần đầu tiên trong 2 năm trở lại đây, doanh thu của Alibaba không đạt kỳ vọng vì tất cả các mảng từ đám mây đến thương mại điện tử đều giảm tốc.

Trong khi đó Tencent ghi nhận quý có doanh thu tăng trưởng yếu nhất kể từ đầu năm 2019. Tập đoàn cũng tăng gấp đôi lượng tiền chi cho các chương trình về trách nhiệm xã hội, lên 15 tỷ USD, đánh dấu một trong những nỗ lực làm từ thiện lớn nhất từ trước đến nay.

Dẫu vậy một số người vẫn nhìn thấy cơ hội vì đợt bán tháo này quá mạnh mẽ. "Nhìn kỹ thì một số đang được giao dịch ở mức giá quá thấp so với sức mạnh hoạt động kinh doanh lõi của họ. Bên cạnh đó những mảng mới như thanh toán hay điện toán đám mây vẫn có nhiều tiềm năng. Tôi nghĩ rằng trong vòng 5 năm tới thì đây là một trong những cơ hội tốt nhất để mua vào", Louis Lau, giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners nhận định.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên