Xuất hiện "hành tinh rắn" mọc đuôi dài bằng 44 Trái Đất
Ngoại hành tinh WASP-69 b đang quấn quanh ngôi sao mẹ của nó bằng một chiếc đuôi ma quái dài hơn 44 Trái Đất xếp cạnh nhau.
- 14-12-2024Tàu săn sự sống ngoài hành tinh của NASA hồi sinh bất ngờ
- 13-12-2024"Hành tinh thứ 9" ghi dấu ấn lên Trái Đất trước khi mất tích?
- 12-12-2024Báu vật hành tinh: Chỉ 320 gram nhưng trị giá cả gia tài, tỷ phú "xếp hàng" vì quá khao khát
Theo Live Science, WASP-69 b là một hành tinh bí ẩn nằm cách Trái Đất 160 năm ánh sáng và có kích thước khổng lồ, gần bằng Sao Mộc của chúng ta.
Nó đã được phát hiện tròn một thập kỷ. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận ra một hiện tượng kỳ lạ: Hành tinh này bị mất đi một phần khối lượng gấp 7 lần khối lượng Trái Đất kể từ năm 2014 đến nay.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy and Astrophysics tiết lộ điều đó đã biến nó thành một con rắn khổng lồ giữa vũ trụ.
Các nhà khoa học trước đây đã suy đoán rằng WASP-69 b có thể có một cái đuôi giống sao chổi được tạo thành từ một số khí mà nó rò rỉ vào không gian, điều khiến nó mất đi khối lượng. Nhưng chưa ai xác minh được giả thuyết này.
Giờ đây, sử dụng phương pháp phân tích mới dựa trên dữ liệu của Đài quan sát WM Keck (đặt tại Hawaii - Mỹ), các nhà khoa học đã tìm thấy chiếc đuôi. Và nó hoàn toàn khác xa tưởng tượng.
Theo nhà vật lý thiên văn Dakotah Tyler từ Đại học California ở Los Angeles (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, chiếc đuôi của WASP-69 b không giống đuôi sao chổi.
Nó là một thứ ngoạn mục hơn rất nhiều: Một luồng heli vĩ đại với độ dài lớn hơn 44 Trái Đất xếp cạnh nhau.
Với chu kỳ chỉ 3,9 ngày quanh ngôi sao WASP-69, có thể hình dung WASP-69 b như một con rắn vĩ đại đang quấn quanh sao mẹ trong một chu kỳ tàn khốc.
Đuôi của WASP-69 b hình thành khi gió sao khốc liệt từ sao mẹ thổi khí rò rỉ ra khỏi ngoại hành tinh, tạo ra một vệt theo sau.
Gió sao, tương tự như gió Mặt Trời, là một luồng các hạt tích điện liên tục được ngôi sao phun ra. Vì WASP-69 b nằm quá gần sao mẹ nên bị ảnh hưởng nặng nề.
Phát hiện này có thể giúp chúng ta tìm hiểu thêm về cách các hành tinh khí khổng lồ hình thành và tiến hóa theo thời gian.
Đồng thời nó cũng mang đến cho các nhà khoa học cơ hội hiếm có để đo gió sao của các ngôi sao xa xôi bằng cách sử dụng đuôi như một "ống gió" khổng lồ, đại diện của NASA - một trong các cơ quan tham gia nghiên cứu - cho biết.
Người Lao Động