175 doanh nghiệp trên sàn Tiki vào "tầm ngắm" của cơ quan thuế
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết tại Hội nghị công tác thuế 6 tháng năm 2022 diễn ra chiều 30/6, tại Hà Nội.
- 01-07-2022Thu ngân sách tăng mạnh nhờ bán dầu thô và thu thuế chuyển nhượng bất động sản
- 30-06-2022Mỗi ngày thu hơn 4.300 tỷ đồng tiền thuế
- 28-06-2022Ðề xuất bỏ thuế TTÐB trong xăng, dầu: Giảm thu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ dân, doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc kết hợp với các cơ quan liên quan, rà soát trách nhiệm, nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các giao dịch, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, trong các năm 2021, 2022, Tổng cục Thuế thực hiện rà soát nhiều sàn thương mại điện tử, trong đó có sàn Tiki, phát hiện một số bất thường.
"Kiểm tra sàn Tiki, cơ quan thuế đã phát hiện 175 doanh nghiệp kinh doanh trên sàn này có dấu hiệu rủi ro về nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế đã chỉ đạo 9 Cục Thuế địa phương, khẩn trương rà soát các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nói trên", bà Lan Anh thông tin.
Hiện Việt Nam có khoảng 10 sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Chợ tốt, Adayroi… lớn, cạnh tranh trực tiếp với nhau và đa số đều là san chơi cho các doanh nghiệp từ quy mô lớn, nhỏ vừa và đến các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Về xử lý doanh nghiệp liên quan đến rủi ro thuế xuyên biên giới, thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, qua thanh kiểm tra đối chiếu thông tin, đến ngày 29/6, Tổng cục Thuế cùng Cục thuế Hà Nội, TP.HCM, ban hành 10 quyết định thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong nước làm thương mại điện tử, trong đó có 5 doanh nghiệp là sàn trong nước, 3 đơn vị trung gian thanh toán, 2 đối tác là đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
"Kết quả, cơ quan Thuế đã ban hành quyết định xử lý 3 doanh nghiệp, phạt số tiền 96,3 tỷ đồng", bà Lan Anh thông tin.
Về bốn nhà cung cấp nước ngoài là Facebook, Google, Microsoft, Netflix, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định đã làm việc với 2 nhà cung cấp, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với 2 nhà cung cấp để thống nhất phương án thu thuế, hoạt động kinh doanh đúng quy định của Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân, từ năm 2018 cho đến ngày 29/6/2022, số thu thuế các loại liên quan đến hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, kinh doanh thương mại điện tử đạt 5.432 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân 130%, mỗi năm số thu thuế trung bình đạt 1.200 tỷ đồng.
Số thu lần lượt qua các năm, năm 2018 là 770 tỷ đồng, năm 2019 là 1.167 tỷ đồng, năm 2020 là 1.143 tỷ đồng, cao nhất là năm 2021 là 1.591 tỷ đồng; 6 tháng năm 2022 số thu đạt 760 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, ngày 21/3 vừa qua, Tổng cục Thuế chính thức công bố và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế từ bất cứ đâu trên thế giới thông qua cổng.
Với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu trong 6 tháng đạt 760 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng.
Kể từ khi Cổng thông tin được khai trương, hàng loạt nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trực tiếp qua cổng như: Facebook (Meta), Microsoft, Tiktok, Netflix... Cụ thể, số thuế được kê khai, nộp trực tiếp trên cổng tại kỳ kê khai Quý 1: Microsoft nộp 0,5 triệu USD, Tiktok nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix nộp 7,8 tỷ đồng. Còn Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào Quý 2/2022.
"Đến nay, có 26 nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế cho ngân sách Việt Nam là 2,4 triệu USD (55,2 tỷ đồng)", đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Ngoài nghi ngại rủi ro thuế doanh nghiệp kinh doanh trên sàn Tiki, đại diện Tổng cục Thuế cũng thông tin về số thu thuế cá nhân tham gia kinh doanh các sàn thương mại điện tử, xuyên biên giới (làm nội dung, tạo trò chơi - game, phần mềm ứng dụng cho các đối tác Google, Facebook…). Cụ thể, từ năm 2018 đến hết tháng 5/2022 đã thu được 782 tỷ đồng tiền vi phạm thuế (trong đó có truy thu, phạm nộp chậm…). 5 tháng đầu năm 2022, thu thuế cá nhân đạt 224 tỷ đồng. Cục thuế có số thu lớn là: Hà Nội với 358 tỷ đồng, TPHCM 146 tỷ đồng, Đà Nẵng 67 tỷ đồng./.
VOV