18 nghìn tỷ cần thêm để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành...
- 17-10-2017Thủ tướng phê duyệt khung bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành
- 14-10-2017Thu hồi đất sân bay Long Thành, mỗi người dân có hơn 1 tỉ đồng
- 13-10-2017Thiếu vốn, xin cơ chế “vượt rào” cho sân bay Long Thành
Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Ký báo cáo vẫn là ông Trương Quang Nghĩa, người tiền nhiệm của ông Thể.
Thu hồi khoảng 5.585 ha đất
Mục tiêu chủ yếu của dự án là xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành theo nghị quyết của Quốc hội.
Về quy mô của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14 ha, trong đó diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng sân bay Long Thành là 5.000 ha.
Gồm: diện tích đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất dành cho mục đích quốc phòng là 1.050 ha, diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác là 1.200 ha, thuộc địa bàn 6 xã(, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Diện tích đất thu hồi để xây dựng các khu tái định cư khoảng 565,14 ha, thuộc địa bàn xã Bình Sơn và xã Lộc An, huyện Long Thành.
Diện tích đất thu hồi để xây dựng khu nghĩa trang khoảng 20 ha, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Long Thành.
Về lộ trình, Chính phủ trình bày do khối lượng công việc quá lớn, ảnh hưởng đến 4.864 hộ dân và 26 tổ chức nên công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư không thể triển khai trong một năm mà sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tục trong khoảng thời gian dự kiến từ năm 2018 với khung chính sách đã được phê duyệt và nguồn vốn được bố trí.
Cần thêm 18 nghìn tỷ
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng ước tính theo thời giá tháng 7/2017.
Gồm: lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án 35,0 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư 4.042,2 tỷ đồng, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không, 479,0 tỷ đồng.
Xây dựng khu nghĩa trang 50,7 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 18.054,0 tỷ đồng và đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân 388,1 tỷ đồng.
Nguồn vốn của dự án được ghi rõ là vốn ngân sách Nhà nước.
Theo đó, ngân sách Trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ sự án. Toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định.
Dự kiến nguồn vốn và cơ cấu vốn là 21.889 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư) để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm … phục vụ trực tiếp dự án phân bổ cho ngân sách trung ương.
1.160 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư) để thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng hai khu tái định cư, khu nghĩa trang... UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách Trung ương.
Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội bố trí tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội.
Cơ chế "vượt rào"
Trong điều kiện nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt thì Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai dự án, Bộ trưởng Thể trình bày.
Điểm 1, khoản 1, điều 64, Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Nay, Chính phủ xin không áp dụng quy định này mà được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài các chính sách hiện hành, Chính phủ cho rằng cần có hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức tương đương 4,5 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tại thời điểm hỗ trợ như đề xuất của Đồng Nai.
Chính phủ cũng đề nghị trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện dự án, nguồn thu này sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách theo quy định.
Cụ thể là xem xét, cân đối bổ sung vốn cho dự án từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đáp ứng tiến độ dự án.
Vneconomy