18 tỷ USD vốn đầu tư 'chảy' vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhẹ Bình Hòa – Bình Phước, tỉnh Quảng Ngãi.
Thông tin được ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn liên quan đến tình hình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh.
- 07-08-2022Chi tiêu nhóm dân số giàu nhất thay đổi ra sao trong 10 năm?
- 07-08-20225 ngành kinh tế nhận vốn đầu tư thực hiện từ khu vực kinh tế Nhà nước nhiều nhất
- 07-08-2022Vùng kinh tế nào thu hút FDI nhiều nhất 7 tháng đầu năm 2022?
Ông có thể cho biết, tình hình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất, các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Ông Hà Hoàng Việt Phương: Đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, việc xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào KKT Dung Quất có tăng. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã cấp mới 4 dự án, vốn đăng ký khoảng 63,61 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án trên 31 triệu USD.
Tính đến nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Trong đó vốn thực hiện đạt 9,2 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Năm 2021 đóng góp ngân sách trên địa bàn đạt 20.212 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi.
Đặc biệt, sau 26 năm hình thành, KKT Dung Quất đã có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp nặng gắn với cảng nước sâu cho tàu đến 200.000DWT; là hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông, khó khăn lớn nhất trong công tác thu hút đầu tư vào KKT, các KCN là gì? Ban Quản lý sẽ khắc phục khó khăn đó như thế nào?
Ông Hà Hoàng Việt Phương: Hiện nay, công tác thu hút đầu tư vào KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khu vực thực hiện dự án có nhiều dân cư sinh sống; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khó khăn, kéo dài dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh 2020-2021 nên cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai của các dự án đầu tư.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực khu dân cư, khu đô thị, thương mại, dịch vụ: Do có sự chồng chéo giữa các Luật nên các dự án khu dân cư, khu đô thị, thương mại, dịch vụ đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất nên không thể tiếp tục triển khai thực hiện, phải thực hiện thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng và xây dựng Đề án huy động các nguồn lực xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm như: các dự án của Tập đoàn Hòa Phát, các dự án điện khí, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.
Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các chính sách đất đai và phối hợp với các địa phương hỗ trợ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt, tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư cũng như đảm bảo quỹ đất để mời gọi nhà đầu tư.
Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tiến hành tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch 1/2000 các khu chức năng; lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất để tăng cường xúc tiến các dự án thuộc lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo của Tập đoàn Hòa Phát và các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu sẽ hình thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất, phát triển các KCN theo định hướng KCN sinh thái, thực hiện cộng sinh công nghiệp, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh, KKT Dung Quất sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch theo hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khai thác đường bờ biển dài và đẹp, đồng thời duy trì, phát huy các giá trị văn hóa gắn với đảo Lý Sơn.
KKT Dung Quất là một trong những KKT tiên phong và thành công của cả nước là trung tâm sản xuất công nghiệp nặng gắn với cảng nước sâu cho tàu đến 200.000DWT.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào KKT Dung Quất, các KCN trong thời gian tới, Ban Quản lý có kế hoạch gì, thưa ông?
Ông Hà Hoàng Việt Phương: Ban Quản lý đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện dự án và an tâm sản xuất kinh doanh, từ đó mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin thu hút các nhà đầu tư mới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư; tận dụng các lợi thế của hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến.
Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng như: Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi, Công ty QISC, Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, các cơ quan xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, VCCI, các Tạp chí chuyên ngành...; đồng thời thiết lập và phát triển các mối quan hệ với một số tổ chức, hiệp hội tư vấn để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, tập trung xúc tiến đến những quốc gia, vùng lãnh thổ có lợi thế công nghiệp phù hợp với lợi thế so sánh của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam cũng như vào tỉnh Quảng Ngãi như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và những quốc gia như Mỹ, EU... Đồng thời, tập trung vào các quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch các dự án từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư và các lợi thế của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trên các phương tiện truyền thông có đối tác là những doanh nghiệp/nhà đầu tư quan tâm…
Bên cạnh thu hút đầu tư, Ban Quản lý sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp đã đầu tư vào các KCN, KKT Dung Quất như thế nào?
Ông Hà Hoàng Việt Phương: Sau khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư, việc hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án là cần thiết.
Do đó, Ban Quản lý luôn tập trung hỗ trợ các dự án có quy mô lớn và có tính lan tỏa như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất; các dự án Nhà máy điện khí của EVN, Sembcorp; Khu đô thị công nghiệp Dung Quất; KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước và các dự án đầu tư hạ tầng trong các khu chức năng...; đồng thời nắm bắt kịp thời phản ánh của các nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn của dự án để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thuận lợi.
Đối với những dự án chậm tiến độ đầu tư và chậm đưa đất vào sử dụng, Ban Quản lý sẽ hướng dẫn và xem xét, gia hạn tiến độ sử dụng đất (nhà đầu tư phải nộp tiền chậm đưa đất đưa vào sử dụng), đồng thời xem xét, gia hạn tiến độ đầu tư theo quy định (nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai từng hạng mục) để giám sát thực hiện đầu tư.
Ngoài ra, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xem sự thành công của nhà đầu tư là thành công của Ban Quản lý.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhà đầu tư