19 doanh nghiệp nhà nước thuộc Uỷ ban quản lý vốn nhà nước sẽ "thích ứng linh hoạt tăng trưởng bứt phá" trong 2022
Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN tại DN) năm 2021 đạt gần 822 nghìn tỷ đồng, bằng 108% so với năm trước, tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch và tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch.
Nhân dịp năm mới, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBQLVNN tại DN cho biết, những kết quả vô cùng tích cực này chính là nền tảng và động lực phát triển của Uỷ ban cùng các doanh nghiệp trong năm mới 2022.
Vượt qua "điểm mờ" để tạo nên những "điểm sáng"
Thưa ông, trước thềm xuân mới Nhâm Dần 2022, cùng nhìn lại một năm với muôn vàn thách thức, trong những kết quả đạt được của UBQLVNN tại DN, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Chúng ta không thể phủ nhận rằng năm qua là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu. Hậu quả từ vấn đề này đối với các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban cũng là rất nặng nề, nhất là đối với doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hàng không, đường sắt.
Tuy nhiên, trước những khó khăn ấy, một số doanh nghiệp lại biến "nguy" thành "cơ", phát triển tốt hơn trong giai đoạn vừa qua. Nói về sự nỗ lực của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban năm 2021, tôi ấn tượng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tốp đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, VIMC đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại toàn diện, nắm bắt thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế để bứt phá mạnh mẽ để "đổi màu" bức tranh tài chính. Kết thúc năm 2021, VIMC báo lãi hơn 4000 tỷ, gấp 5,5 lần kế hoạch. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam, do ảnh hưởng của một số dự án yếu kém, nên gặp nhiều vướng mắc. Nhưng năm qua, một số dự án, nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động hết công suất và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường, nền kinh tế, thậm chí kể cả thị trường quốc tế. Lần đầu tiên, sản xuất kinh doanh đã có lãi sau rất nhiều năm gặp khó khăn.
Năm 2021 cũng là năm mà nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước như: Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo số liệu tổng kết của chúng tôi, năm 2021, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 99% kế hoạch (821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020); tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020).
Có thể thấy, tuy tổng giá trị sản lượng giảm 1% (đạt 99%) do nhu cầu thị trường thấp đi, nhưng chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách thì rất cao. Những thành quả trên là nền tảng và động lực để Uỷ ban cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thích ứng linh hoạt, nỗ lực tăng trưởng bứt phá trong năm mới 2022.
Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban cũng đã tham gia rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội, như: Đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 với số tiền 2.565 tỷ đồng; tham gia tích cực và ủng hộ hàng trăm nghìn máy tính trong chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động; chủ động triển khai nhiều hoạt động từ thiện, chương trình an sinh xã hội; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Triển khai những dự án lớn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế Nhà nước
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 -2025), UBQLVNN tại DN sẽ thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là cố gắng không ngừng để góp phần ổn định, phát triển kinh tế Nhà nước nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp trong Uỷ ban nói riêng.
Về nhiệm vụ cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung vào các dự án lớn, như sân bay Long Thành, một số dự án sân bay trong quy hoạch chung của Chính phủ. Đối với các dự án điện, Uỷ ban sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đối với các doanh nghiệp còn khó khăn trong năm 2021 như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Uỷ ban chỉ đạo quyết liệt để đưa ra đề án tái cơ cấu, làm sao kịp thời phôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp này, đúng thời điểm xã hội dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nhu cầu vận tải của thị trường hồi phục và tăng lên. Qua đó, đáp ứng yêu cầu bức thiết đặt ra của nền kinh tế và nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, doanh nghiệp.
Để chủ động phương án cho mọi tình huống, chúng tôi xác định năm 2022 là năm có thể có "độ rơi" của một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong tình huống ấy, Uỷ ban và các doanh nghiệp trực thuộc cần chuẩn bị và triển khai kịch bản, kế hoạch phù hợp để duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của mình trong mục tiêu đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều giải pháp để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành các nhiệm vụ năm 2022
Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng, giải pháp cụ thể của UBQLVN đối với một số tập đoàn, tổng công ty trong năm 2022, để ngày càng chuyên nghiệp hoá, thực hiện hiệu quả hơn vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2022, Uỷ ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2022 với nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng và giải pháp đề ra.
Đơn cử, năm 2022, Tổng công ty kinh doanh vốn và đầu tư nhà nước (SCIC) sẽ tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, UQLVNN tại DN sẽ đồng hành sát sao cùng SCIC tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp; tăng cường giám sát thực hiện Quy chế người đại diện mới và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống người đại diện.
Một đại diện khác là Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đơn vị này sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP để kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Chúng tôi yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Tập đoàn có các biện pháp cụ thể ở từng thời điểm, triển khai các giải pháp để thực hiện sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; có sự tăng trưởng hợp lý.
Cùng với đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện mô hình "Sản xuất và thương mại than", TKV cũng cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường bảo vệ sản xuất gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Đặt biệt, UBQLVNN tại DN cùng TKV mong muốn Chính phủ và các với các bộ liên quan, ngành sớm thống nhất, phê duyệt "Quy hoạch phân ngành than trong quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để triển khai thực hiện.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mục tiêu của năm 2022 là quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.
Tập đoàn PVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt 10-18 triệu tấn); Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2; giải quyết xong tranh chấp với PM tại Dự án LP1 và cá dự án khó khăn khác. Các dự án khác như VNPoly; 3 dự án Ethanol cũng cần có giải pháp để xử lý, giải quyết có hiệu quả trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các dự án lớn của Tập đoàn như Nhơn Trạch 3,4, Dự án khí Lô B cũng sẽ được khởi công. UBQLVNN tại DN đã chỉ đạo Tập đoàn tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Trước những cơ hội và thách thức của năm 2022, UBQLVNN tại DN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và doanh nghiệp.