MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

19 tuổi đã sở hữu tài sản tỷ đô

24-05-2018 - 12:36 PM | Tài chính quốc tế

Mỗi chị em nhà Flick sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỉ USD. Ông của họ là nhà công nghiệp giàu nhất nước Đức sau chiến tranh.

Người đàn ông 2 lần trở thành người giàu nhất nước Đức

Với khối tài sản thừa kế khổng lồ, Viktoria-Katharina Flick và người em trai sinh đôi Karl-Friedrich Flick đã trở thành những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới khi mới 19 tuổi. Theo Bloomberg Billionaires Index (Chỉ số Tỷ phú Bloomberg), mỗi người sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỉ USD.

Tuy nhiên, đằng sau sự giàu có của chị em Flick lại là lịch sử đen tối của một trong những triều đại công nghiệp thịnh vượng nhất nước Đức.

Sự thịnh vượng của gia đình Flick khởi nguồn từ Friedrich Flick. Ông từng ở tù ba năm sau khi bị Toà án tội phạm chiến tranh Nuremberg kết án sử dụng lao động nô lệ nhằm sản xuất vũ khí cho phe Phát xít và một số tội danh khác. Ông đã gây dựng và mở rộng đế chế thép của mình bằng cách tịch thu các công ty thuộc khu vực Phát xít chiếm đóng và mua các doanh nghiệp của người Do Thái tại Đức. Theo một nghiên cứu về các doanh nghiệp của ông trong thời kỳ Phát xít, số lượng người lao động đã qua đời khi làm việc trong các công ty của Flick có thể lên tới 40.000 người.

19 tuổi đã sở hữu tài sản tỷ đô - Ảnh 1.

Friedrich Flick trong phòng xử án tại Palace of Justice ở Nuremberg, Đức ngày 15/1/1947. Ảnh: Keystone/Getty Images

Flick được thả vào năm 1950 sau khi các nhà công nghiệp Đức được ân xá. Mỹ và Anh đã hoàn trả tiền và các tài sản kinh doanh cho ông, bao gồm một tài sản tước đoạt từ người Do Thái. Ông đã bán các công ty than của mình và dùng tiền để đầu tư cho nhiều công ty khác, bao gồm Daimler-Benz AG và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất ô tô này.

Thomas Ramge, tác giả của "The Flicks", lịch sử gia tộc, cho biết: "Bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức, Friedrich Flick có một khả năng thiên phú khi trở thành người giàu nhất nước Đức tới hai lần."

Các đế chế doanh nghiệp Đức khác phất lên trong thời kỳ Phát xít, ví dụ như Quandts và Oetkers, và một số thành viên của gia đình Flick, đã bồi thường cho các lao động nô lệ. Tuy nhiên, Friedrich Flick và con trai út của ông, người trở thành chủ sở hữu duy nhất của đại xí nghiệp sau này, không làm như vậy.

Friedrich Flick giữ dáng vẻ ngây ngô và nói rằng ông không có nghĩa vụ pháp lý và đạo đức phải trả phí bồi thường. Và Ramge, con trai ông "không có tham vọng trí tuệ để tìm hiểu sự phức tạp của lịch sử Đức và gia đình mình có liên quan như thế nào".

Người con trai đó, Friedrich Karl Flick, tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình sau khi cha ông qua đời vào năm 1972. Ông trở thành chủ sở hữu duy nhất của một công ty mà sau này trở thành đại xí nghiệp lớn nhất nước Đức sau khi mua lại các xí nghiệp từ ba thành viên khác trong gia đình vào năm 1975. Ông cũng bán phần còn lại của tài sản tước đoạt từ người Do Thái cho U.S. Steel Corp trong cùng năm.

Vào những năm 1980, ông dính vào bê bối tài trợ chính trị phi pháp dẫn đến sự kiện bộ trưởng kinh tế và chủ tịch quốc hội Đức từ chức. Friedrich Karrl Flick phủ nhận tham gia vào vụ việc này và không bị truy tố. Vào năm 1987, người thân cận nhất của ông bị phạt tiền và chịu án tù treo do trốn thuế.

Friedrich Karl Flick đã bán các doanh nghiệp của ông cho Deutsche Bank AG với giá 5,36 tỉ mác (2,17 tỉ USD) vào năm 1985 khi bê bối lên đỉnh điểm. Sau đó, ông lui về ở ẩn.

Khoảng một thập kỷ sau đó, Flick chuyển tới Áo, quê hương của người vợ thứ ba của ông, Ingrid Ragger. Họ gặp nhau khi bà đang làm lễ tân khách sạn tại một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Ông qua đời năm 2006 khi Viktoria-Katharina và Karl-Friedrich mới chỉ 7 tuổi.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ramge cho biết Friedrich Karl Flick đã chuyển sang đầu tư an toàn vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và một số thứ khác, nhưng ông vẫn để lại cho hai chị em sinh đôi và hai người con gái khác một khoản thừa kế khổng lồ. Theo Bloomberg Billionaires Index, mỗi người con của ông thừa kế 1 tỉ USD.

Bóng ma quá khứ ám ảnh những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới

Hiện nay, tài sản của hai chị em sinh đôi do Flick Privatstiftung, văn phòng tư vấn quản lý tài sản của nhà Flick có trụ sở đặt tại Áo, giám sát. Hai người chị cùng cha khác mẹ của hai chị em, Alexandra Butz (50 tuổi) và Elisabeth von Auersperg-Breunner (44 tuổi), đang sinh sống tại Munich và Áo. Giá trị ròng của hai người chị cũng là 1,8 tỉ USD mỗi người. Họ từ chối bình luận về vấn đề này.

Cuộc sống của hai chị em sinh đôi luôn được bảo mật nghiêm ngặt; không có hình ảnh nào của họ được công khai. Karl-Friedrich từng giành một huy chương đấu kiếm cho thanh thiếu niên trong vùng vào năm 2017. Không có nhiều thông tin về người chị gái. Mẹ của hai chị em cho biết bà luôn cố gắng để hai chị em có một tuổi thơ bình thường.

Trong một buổi phỏng vấn với tờ báo Kronen Zeitung vào năm 2009, Ingrid Flick chia sẻ: "Chúng [hai chị em sinh đôi] bắt đầu nhận được tiền tiêu vặt khi học lớp hai, số tiền phù hợp với tuổi của chúng, không nhiều hơn những bạn bè khác. Đây là cách giúp chúng học cách tiêu tiền và vai trò của tiền. Tôi muốn chúng giống như bạn bè của mình."

19 tuổi đã sở hữu tài sản tỷ đô - Ảnh 2.

Friedrich Karl Flick và người vợ Ingrid năm 1998. Ảnh: Peter Bischoff/Getty Images

Ingrid Flick từng nói bà đã tịch thu thẻ tín dụng của con gái. Bà chia sẻ với tạp chí Bunte của Đức như sau: "Bọn trẻ phải hiểu được rằng chúng không có gì đặc biệt ngoài những nghĩa vụ gắn với cái tên Flick."

Hai chị em sinh đôi học tại một trường cấp ba công lập tại miền nam nước Áo, nhưng họ trưởng thành cùng những cám dỗ của sự giàu sang. Khi 13 tuổi, họ chuyển tới biệt thự riêng của mình được xây dựng trên bất động sản của Ingrid Flick tại Áo. Theo tờ báo Kleine Zeitung của Áo, khu dân cư này có một sàn nhảy disco, một sân chơi và một sân tennis. Sân tennis này do Nastase, cựu vận động viên hàng đầu thế giới, khánh thành.

Họ uỷ quyền quản lý tiền cho ba giám đốc điều hành với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài sản, đầu tư ngân hàng và các vấn đề pháp lý. Mục tiêu đầu tư của văn phòng tư vấn quản lý tài sản gia đình khá khiêm tốn. Mục tiêu của Friedrich Karl Flick là 4% lợi nhuận hàng năm sau thuế, lạm phát và các chi phí khác.

Tuy nhiên, dù đã qua đời, Friedrich Karl Flick vẫn không thể thoát khỏi tai tiếng của gia đình. Vào năm 2008, những tên trộm mộ đã đánh cắp quan tài giữ thi thể ông khỏi lăng mộ tại thị trấn ven hồ Velden. Chúng đòi 6 triệu euro (7,5 triệu USD tại thời điểm đó) tiền chuộc. Ba người đàn ông đã bị truy tố trong vụ việc này. Phần thi thể còn lại của Flick sau đó được tìm thấy tại Hungary và được đưa về chôn cất lại tại Áo.

Ingrid Flick chia sẻ với tạp chí Bunte: "Cuối cùng chồng tôi cũng về nhà. Hi vọng và sợ hãi đã kết thúc. Những lời cầu nguyện đã được đền đáp."



Quỳnh Mai

Bloomberg

Trở lên trên