MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

19.000 HDV tự do không mất quyền hành nghề

Không có chuyện bắt buộc tất cả hướng dẫn viên du lịch tự do phải vào hội mới được hành nghề.

Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa tổ chức hội nghị phổ biến giới thiệu Luật Du lịch mới, có hiệu lực từ năm 2018. Trong đó nội dung về điều kiện hành nghề của khoảng 20.000 hướng dẫn viên (HDV) được cộng đồng kinh doanh du lịch quan tâm, thắc mắc nhiều nhất.

Bức xúc nhiều vấn đề

Theo Luật Du lịch mới, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ ba điều kiện. Thứ nhất, có thẻ HDV du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với công ty lữ hành, cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Thứ ba, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.

Để nội dung mới này đi vào cuộc sống, Tổng cục Du lịch đã có nhiều động thái như yêu cầu các đơn vị liên quan quản lý HDV; thành lập Hội HDV du lịch Việt Nam. Lý do là hiện Việt Nam có hơn 20.000 HDV, trong đó khoảng 19.000 HDV tự do nhưng từ trước đến nay 90% lượng HDV này không được quản lý bởi bất kỳ tổ chức nào. “Do đó quy định mới sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của đội ngũ HDV tự do” - đại diện Tổng cục Du lịch giải thích.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua rất nhiều HDV lẫn công ty du lịch bức xúc bởi những quy định mới. Chẳng hạn quy định bắt buộc HDV tự do phải tham gia hội và buộc nộp quỹ, thuế, phí các loại… thì mới được hành nghề; mỗi hội viên phải đăng ký một số điện thoại Viettel, phải trang bị một điện thoại thông minh. Nhiều HDV tự do chưa hài lòng khi điều lệ gia nhập hội ghi rõ là tự nguyện nhưng thực tế gần như ép buộc…

Ông Trần Văn Hòa, đại diện Công ty Du lịch Asia DMC, cho hay từ khi Luật Du lịch mới có hiệu lực, tất cả HDV đều hoang mang, lo lắng sẽ thất nghiệp. Từ thực tế này, ông Hòa đặt ra một loạt câu hỏi với Tổng cục Du lịch: “Nếu không thỏa mãn các điều kiện mới thì có được hành nghề không, có bị phạt không? Nếu HDV tự do không chịu vào hội mà công ty vẫn ký hợp đồng đi tour với họ thì có bị phạt? Khi công ty ký hợp đồng thời vụ thì có cần buộc HDV phải có thẻ hội viên?...”.

19.000 HDV tự do không mất quyền hành nghề - Ảnh 1.

Việt Nam đang thiếu trầm trọng hướng dẫn viên du lịch. Trong ảnh: Một hướng dẫn viên đang hướng dẫn du khách tại TP.HCM. Ảnh: Tú Uyên

Không bắt hướng dẫn viên vào hội

Giải đáp những bức xúc trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói tiến bộ nhất của luật du lịch mới là tất cả điều khoản đều quan tâm đến quyền lợi của du khách, đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy vậy, bà Hương nói: “Riêng hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp quy định trong luật không phải duy nhất là Hội HDV du lịch Việt Nam. Điều này có nghĩa là không ép buộc HDV tự do phải vào hội thì mới được hành nghề”.

Nói rõ thêm về vấn đề này, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nêu rõ: Theo quy định của luật thì HDV phải có thẻ hướng dẫn, có hợp đồng lao động với công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành. Nếu đáp ứng các điều kiện trên thì HDV tự do không phải băn khoăn về việc có cần phải gia nhập Hội HDV du lịch Việt Nam hay không.

Hiểu nôm na là Luật Du lịch mới điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho HDV tự do chứ không phải là bắt buộc mọi người phải vào hội mới được hoạt động. “Ở đây tôi cũng xin nhấn mạnh: Các tổ chức xã hội-nghề nghiệp là tự nguyện, không ai bắt buộc anh vào tổ chức hội nếu không muốn. Vừa qua, do có sự nhận thức chưa đúng nên dẫn đến hiểu nhầm” - ông Khánh nhấn mạnh.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng bác thông tin cho rằng khi vào Hội HDV du lịch Việt Nam thì buộc HDV phải đăng ký một số điện thoại Viettel, phải trang bị một điện thoại thông minh. Thực tế hội viên không sử dụng smartphone thì cũng không ai phạt cả.

Vẫn chưa thỏa mãn

Việc giải thích không nhất thiết phải vào hội mới được làm HDV đã giải tỏa được sự bức xúc lâu nay của hàng chục ngàn HDV tự do. Tuy vậy, vấn đề hợp đồng lao động với HDV vẫn còn vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định mới, HDV chỉ được hành nghề khi có hợp đồng lao động, có hợp đồng hướng dẫn với công ty lữ hành… Xung quanh quy định này, nhiều HDV nêu thực tế quy định như trên gây khó khăn cho các HDV tự do. Bởi HDV du lịch không thể vừa phải ký hợp đồng lao động lại còn phải ký hợp đồng hướng dẫn.

Ông Hà Tất Thắng, HDV tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, đại diện cho các diễn đàn HDV tự do, bày tỏ: “Đa số hợp đồng lao động mà HDV ký với công ty lữ hành là theo luật lao động, thuộc loại hợp đồng công việc dưới một tháng và đây cũng là hợp đồng hướng dẫn. Do vậy, quy định buộc HDV phải làm hai hợp đồng lao động là không cần thiết”.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Indochina, nhận xét yêu cầu HDV vừa phải có hợp đồng lao động vừa phải có hợp đồng hướng dẫn chỉ gây thêm rắc rối. Bởi thực tế hai cái này là một nên công ty đã gộp chung lại thành hợp đồng theo vụ việc, gồm cả bản phân công hướng dẫn.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cho rằng luật mới nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của HDV và doanh nghiệp. Do đó các công ty lữ hành phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thiếu trầm trọng hướng dẫn viên

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt, đánh giá hiện nay HDV quốc tế đang thiếu trầm trọng. Năm 2017 Việt Nam đón gần 13 triệu khách quốc tế nhưng HDV quốc tế hiện chỉ có khoảng 12.000.

HDV nội địa còn thiếu trầm trọng hơn. Năm 2017 Việt Nam đón khoảng 70 triệu khách nội địa nhưng cả nước chỉ có 7.927 HDV, trong khi để đáp ứng đủ, ngành du lịch cần 50.000 HDV.

"Do vậy, vấn đề bức thiết hiện nay là ngành du lịch cần tập trung đảm bảo số lượng lẫn chất lượng HDV, nếu không các doanh nghiệp du lịch sẽ chết thiệt chứ không phải chết giả" - ông Mỹ nói.

Ép khách mua hàng sẽ bị phạt

Luật Du lịch mới cấm phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng trên thị trường đã xuất hiện những công ty bán tour giá rẻ nhưng lại buộc khách hàng mua sắm ở những cửa hàng bán giá cao, chất lượng thấp. Vì thế quy định mới như trên sẽ giúp giải quyết tình trạng doanh nghiệp ép khách đi tour mua sắm.

Theo Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên