Gần 20 năm qua, Hà Nội dành nhiều nguồn lực với hy vọng "hồi sinh" các dòng sông chảy qua nội thành (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Lừ) đang "chết". Nhiều đề án cải tạo, các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm được UBND TP Hà Nội quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, đến hiện tại, mức độ ô nhiễm tại 5 con sông này không mấy cải thiện, thậm chí có lúc nghiêm trọng hơn.
Các dòng sông ô nhiễm trầm trọng, màu nước đen kịt, rác kẹt dòng, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Con sông này được nạo vét và kè hai bên bờ vào năm 2003.
Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông như một vệt màu đen vắt qua thành phố. Theo ước tính, mỗi ngày, sông Tô Lịch hứng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra.
Hàng trăm miệng cống xả thẳng nước thải ra dòng sông.
Ghi nhận của PV VTC News, chỉ tính đoạn chảy qua phường Kim Giang, trên khúc sông dài hơn 1km từ cầu Mới, Ngã Tư Sở đến số nhà 260 Khương Đình, có tới gần 40 cống xả thải trực tiếp.
"Con sông giờ chẳng khác nào sông chết, cá tôm không thể sinh sống còn nước thì đen ngòm, mỗi khi mưa to hay thay đổi thời tiết là bốc mùi hôi thối nồng nặc", ông Thành (ở quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Thậm chí, có những khu vực, dòng chảy của sông bị rác lấp đầy.
Những điểm tập kết rác xung quanh sông Tô Lịch càng làm tăng sự ô nhiễm của khu vực này.
Không chỉ sông Tô Lịch, nhiều dòng sông khác trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như sông Nhuệ, sông Đáy...
Sông Nhuệ dài 62km, chảy qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Theo thống kê, lưu vực sông Nhuệ có 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.
Dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc quanh năm suốt tháng.
Nước sông Nhuệ đen đặc, sủi bọt trắng xóa.
"Nhìn người dân buôn bán và sinh hoạt bên cạnh mùi hôi thối và rác thải khiến mình thật sự thấy ám ảnh. Không biết đến bao giờ mới có thể dạo bước ngắm cảnh bên các dòng sông của Hà Nội mà không phải lo về vấn đề ô nhiễm", anh Khoa (ở quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ.
Sông Kim Ngưu chịu chung số phận khi cũng nằm trong hệ thống thoát nước thải của Hà Nội. Hàng ngày, dòng sông phải gánh lượng nước thải lớn xả thẳng không qua xử lý. Cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp.
Là một phân lưu của sông Kim Ngưu, sông Lừ cũng không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Dòng sông có chiều dài khoảng 10km, chảy qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai.
Sông Đáy từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đầy thơ mộng nay ô nhiễm nặng nề. Dòng sông có chiều dài khoảng 240km là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy.
Sông là dòng chảy chính của các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Nam Định, sông Vạc. Đây đều là những sông bị ô nhiễm nặng.
Hình ảnh dòng sông đậm đặc rác thải, váng ô nhiễm từ chất thải các làng nghề phủ mặt sông tại địa phận xã Vân Côn (huyện Hoài Đức).
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch là việc "hồi sinh" sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.
Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đầu nối dọc 2 bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, quận Hà Đông và khu đô thị mới, với tổng chiều dài cống các loại khoảng 53km. Dự án được khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi 2 lần sang năm 2022 và mốc mới nhất là 2025.
Mặt bằng tổng thể hệ thống thoát nước Yên Xá. Dự án khi hoàn thành không chỉ phục vụ xử lý nước thải của 6 quận và huyện Thanh Trì mà còn làm "sống lại" các dòng sông nội đô.