2/4 cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán đồng loạt tăng kịch trần trong một ngày: Đều tồn tại trên dưới 60 năm, chung ngành nghề, trùng "thói quen" bạo chi cổ tức tiền mặt
Mức tăng tính theo giá trị tuyệt đối là tương đối lớn, vượt qua giá nhiều cổ phiếu trên sàn.
Thị trường chứng khoán giao dịch tương đối ảm đạm trong ngày đầu tuần 26/8. Tuy nhiên vẫn có những cổ phiếu diễn biến nổi bật đi ngược lại xu hướng chung. Theo đó, 2 cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa và HLB của Bia Hạ Long đồng loạt tăng kịch trần. VCF tăng 7% lên mức 233.200 đồng/cp, trong khi HLB tăng bốc 15% lên ngưỡng 293.800 đồng/cp.
Điều gây chú ý là việc VCF và HLB là 2 cổ phiếu nằm trong Top 4 mã chứng khoán thị giá đắt nhất trên sàn (chỉ sau hai mã VNZ và WCS). Do đó, mức tăng tính theo giá trị tuyệt đối là tương đối lớn, mỗi cổ phiếu VCF có thêm 15.200 đồng trong khi HLB tăng tới 38.300 đồng/cp chỉ trong 1 phiên giao dịch.
Dù tăng mạnh song với đặc tính giá cao và cổ đông cô đặc khiến thanh khoản HLB và VCF không quá sôi động. Khối lượng khớp lệnh của VCF trong phiên 26/8 đạt 2.400 cổ phiếu, con số này tại HLB vỏn vẹn 100 cổ phiếu.
Trên dưới 60 năm hình thành và phát triển trong lĩnh vực đồ uống, mỗi năm thu hàng nghìn tỷ
Về HLB, tiền thân là nhà máy liên hợp thực phẩm Hồng Gai, thành lập từ năm 1967. Trải qua nhiều thay đổi, công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP Bia & Nước giải khát Hạ Long vào tháng 2/2003. Cổ phiếu HLB lên sàn UPCoM từ tháng 2/2017, vốn điều lệ công ty hiện đạt gần 31 tỷ đồng. Các sản phẩm của HLB bao gồm bia Hạ Long Classic, bia Hạ Long Sapphire, bia Hạ Long Golden…
Về tình hình kinh doanh, sau năm 2023 nhiều khó khăn, HLB tiếp tục thận trọng trong việc lên kế hoạch cho 2024. Doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần 1.751 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2023 và là mức cao kỷ lục. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ lên mục tiêu đạt 98,1 tỷ đồng. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận "đi lùi" sau chuỗi tăng trưởng bền bỉ trước đó.
Trong khi đó, Vinacafe Biên Hòa cũng là cái tên tương đối quen thuộc với người dân Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 1963 với tên gọi Công ty cà phê Biên Hòa. Sau hơn 60 năm phát triển, doanh nghiệp đã trở thành một trong những nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu tại Việt Nam. VinaCafe Biên Hòa có thế mạnh về thương hiệu lâu đời, với các sản phẩm cà phê nổi tiếng như Vinacafé, Wake-up,… Doanh nghiệp cũng có nhà máy sản xuất hiện đại, với công suất sản xuất hàng năm lên tới 50.000 tấn.
Kết quả kinh doanh của VCF có phần ổn định hơn, doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt đạt 2.353 tỷ và 450 tỷ đồng, tăng 7% và 41%. Năm 2024, doanh nghiệp xây dựng hai kịch bản với kịch bản thận trọng hơn là doanh thu 2.500 tỷ và LNST 470 tỷ đồng; trong khi đó kịch bản tích cực hơn là doanh thu 2.800 tỷ và LNST 500 tỷ đồng.
Sau nửa đầu năm, VCF ghi nhận 186 tỷ đồng lãi sau thuế, qua đó hoàn thành khoảng 40% mục tiêu lợi nhuận tại kịch bản thận trọng.
Cổ tức tiền mặt cao chót vót và "đều như vắt tranh", chảy gần hết về túi cổ đông lớn
Thêm điểm chung giữa 2 doanh nghiệp ngành đồ uống là việc trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ cao. Tuy kết quả kinh doanh năm 2023 bị đứt chuỗi tăng trưởng song Bia Hạ Long vẫn giữ truyền thống chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ cao ngất ngưỡng lên tới 90% (9.000 đồng/cp).
Trước đó trong năm 2021-2022, mức cổ tức tiền mặt được chi trả lên đến 100% và 150%. Thậm chí năm 2018, mức cổ tức tiền còn lên đến 200%.
Hiện hai nhóm cổ đông lớn nhất tại HLB là gia đình cựu Chủ tịch HĐQT Doãn Văn Quang với tổng sở hữu lên đến gần 58% cổ phần và Aseed Holdings đến từ Nhật với 30,42% cổ phần.
Tương tự, chính sách cổ tức hấp dẫn được VCF duy trì đều đặn. Tháng 9 tới đây, VCF sẽ thực hiện chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 250%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 25.000 đồng.
Trong nhiều năm gần đây, Vinacafé Biên Hòa luôn đều đặn trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông mức từ 240 – 250%, đặc biệt năm 2018 doanh nghiệp "chơi lớn" khi dốc hầu bao trả cổ tức tiền mặt lên đến 660%. Dù vậy phần lớn tiền cổ tức sẽ chảy về túi Công ty TNHH MTV Masan Beverage - một thành viên của Tập đoàn Masan (mã MSN) khi tổ chức này nắm tới 98,79% vốn VCF.