2 ái nữ nhà Tân Hiệp Phát đã cùng bố chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng thế nào?
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hiện nay nhiều lô đất chiếm đoạt của các nạn nhân vẫn do bà Trần Uyên Phương đứng tên.
- 03-11-2023Người tố cáo con gái Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị truy tố tội lừa đảo
- 15-09-2023Tân Hiệp Phát không buông bất động sản
- 21-06-2023Vợ ông Trần Quí Thanh làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Con gái của ông chủ Tân Hiệp Phát vẫn đứng tên tài sản "thế chấp" của nạn nhân
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái là Trần Uyên Phương (42 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát) và Trần Ngọc Bích (39 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị cáo buộc cùng bố là ông Trần Quí Thanh cho một số người vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng" thông qua chiêu thế chấp bằng các dự án, thửa đất thấp hơn với giá trị thực tế. Sau đó, ông Thanh đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản" để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, đầu năm 2018, ông Lâm Sơn Hoàng khó khăn về tài chính nên gặp Nguyễn Hoàng Phú, người tự giới thiệu là cháu ông Thanh, sẽ giúp ông Hoàng vay được 100 tỷ đồng.
Tháng 1/2019, ông Hoàng ký hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất (có giá trị khoảng 190 tỷ đồng ở xã Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) cho cho bà Trần Uyên Phương. Tổng cộng, ông Hoàng vay của ông Thanh 115 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ được nhận về 103 tỷ đồng sau khi trừ 10,3 tỷ đồng lãi suất 3 tháng đầu và các khoản thuế, phí 668 triệu. Ông Hoàng còn phải chi thêm 3 tỷ đồng tiền môi giới cho Phú.
Tối 11/11/2020, ông Hoàng chuẩn bị đủ 154 tỷ đồng, gồm 115 tỷ tiền gốc và 39 tỷ tiền phạt cầm tiền đến phòng làm việc ông Thanh xin được trả nợ để chuộc lại 4 thửa đất nhưng ông Thanh không đồng ý do quá hạn 3 ngày.
Đến nay, 4 thửa đất của ông Hoàng đang đứng tên Trần Uyên Phương. 4 thửa đất có giá trị 195 tỷ đồng nên trừ đi 115 tỷ tiền đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của ông Hoàng 80 tỷ đồng.
Một vụ khác, tháng 1/2019, khi thiếu tiền thanh toán mua khu đất 3000m2 ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, ông Nguyễn Văn Chung được giới thiệu đến ông Nguyễn Phi Long vay tiền với lãi suất 3% một tháng.
Tuy nhiên, ông Chung muốn vay được 30 tỷ đồng của ông Thanh phải làm thủ tục vay 35 tỷ và đã phải làm thủ tục chuyển nhượng lô đất 2.400 m2 cho bà Trần Uyên Phương.
Tháng 3/2019, ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để trả và đề nghị bên cho vay làm thủ tục sang tên lại lô đất. Khi nghe báo lại việc này, ông Thanh yêu cầu "Chung phải trả đủ 49 tỷ đồng thì mới cho nhận lại tài sản", theo kết luận điều tra.
Cho rằng phải trả thêm 14 tỷ đồng vô lý nên ông Chung không đồng ý và nhiều lần gọi trực tiếp cho ông Thanh nhưng không được. Cho rằng bị chiếm đoạt đất, ông Chung khởi kiện dân sự ông Long và bà Trần Uyên Phương ra TAND quận Tân Bình. Khi tòa tổ chức hòa giải, bà Phương không đến mà gửi đơn khẳng định đã mua đất của người khác (chủ cũ lô đất) chứ không quen biết ông Chung. Hiện lô đất vẫn do bà Ph quản lý.
Cơ quan CSĐT cho rằng lô đất có giá trị là 83 tỷ đồng nên trừ đi 35 tỷ đã giải ngân, bố con ông Thanh đã chiếm đoạt của ông Chung 48 tỷ đồng.
Nữ đại gia phải chuyển nhượng cổ phần cho 2 con gái ông Thanh để vay 500 tỷ
Với đại gia Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Nai, 3 bố con ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 2 dự án Minh Thành 533 tỷ đồng và Nhơn Thành 567 tỷ đồng sau khi cho nạn nhân vay 500 tỷ đồng.
Trong vụ án này, tháng 11/2019, sau khi được ông Thanh đồng ý cho vay 500 tỷ đồng, nữ đại gia phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của hai dự án Minh Thành và Nhơn Thành cho hai con gái ông là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Cụ thể, ông Thanh yêu cầu bà Oanh chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương giá 235 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà Oanh phải vận động các cổ đông chuyển 50% cổ phần còn lại cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỷ đồng.
Với dự án Nhơn Thành, bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu cho con gái thứ của ông Thanh là Trần Ngọc Bích với giá 150 tỷ đồng.
Tại thời điểm làm hợp đồng chuyển nhượng, dự án Minh Thành có giá trị gần 600 tỷ đồng nhưng trên hợp đồng giữa bà Oanh và phía ông Thanh chỉ có giá trị 500 tỷ đồng. Và thực tế, bà Oanh nhận 350 tỷ đồng.
Dự án Nhơn Thành, thời điểm đó có giá trị gần 600 tỷ đồng nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Oanh và phía ông Thanh ghi giá 150 tỷ đồng.
C01 cáo buộc khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Đến tháng 8/2020, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng (dự án Minh Thành 350 tỷ, Nhơn Thành 150 tỷ) và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án. Cùng thời gian này, bà Oanh nhắn tin cho ông Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được hồi đáp.
Kết luận điều tra nêu bà Oanh khai sau nhiều cuộc thỏa thuận bất thành, ngày 28/10/2020 bà cùng hai con gái và một số nhân viên đến trụ sở Tân Hiệp Phát gặp Trần Uyên Phương "van xin" cho chuộc dự án nhưng bị từ chối. Bà Oanh sau đó có đơn tố cáo 3 bố con ông Thanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 10/4/2023, ông Trần Quí Thanh và 2 con gái bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam.
Thời điểm bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh, Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân ở TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "trốn thuế", "cưỡng đoạt tài sản" là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại hai địa phương này.
Hai ái nữ tài năng, sáng giá để kế cận tập đoàn
Trước khi bị bắt giữ, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích được cho là thế hệ kế cận sáng giá, tài giỏi để nhận chuyển giao quyền lực tại doanh nghiệp Tân Hiệp Phát.
Tại Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương chủ yếu đảm nhận phát triển thị trường, đối ngoại, mở rộng xuất khẩu còn bà Trần Ngọc Bích hoạt động tại mảng quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Bà Trần Uyên Phương học Quản trị kinh doanh tại Singapore và bắt đầu làm việc tại Tân Hiệp Phát năm 23 tuổi (năm 2004) và giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tập đoàn. Bà Phương chịu trách nhiệm về các mảng tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng, và các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội) trên toàn quốc; đồng thời quản lý các chương trình tiếp thị sản phẩm của Tân Hiệp Phát trên 16 quốc gia.
Theo thông tin trên tập đoàn, bà Phương đã thực hiện thành công chiến lược truyền thông hiệu quả cho 12 nhãn hàng của Tân Hiệp Phát trong nhiều năm qua, và đồng thời thành công trong việc quảng bá thương hiệu Tân Hiệp Phát ra thế giới. Bên cạnh là thành viên của tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ - YPO (Young Presidents Organization), bà Phương còn là Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TPHCM nhiệm kỳ 8/2018-7/2019.
Bà Trần Uyên Phương còn là tác giả của 2 cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh và Competing with Giants (Cạnh tranh với người khổng lồ).
Con gái thứ hai của ông Trần Quí Thanh là Trần Ngọc Bích được giới thiệu tốt nghiệp ngành Quản trị Tài chính, Đại học Manchester (Vương Quốc Anh), là Phó tổng giám đốc Tập Đoàn Tân Hiệp Phát và đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Number One Hà Nam.
Bà Bích cho biết không thích xuất hiện nhiều bên ngoài mà muốn dành thời gian cho nhân viên nội bộ tập đoàn.
Hai chị em Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương có Công ty mua bán nợ VNAMC với sở hữu mỗi cá nhân là 50% vốn. Trong đó, bà Bích là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Công ty này được thành lập đầu năm 2018 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, hoạt động tại hai ngành nghề kinh doanh chính là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ.
Đời sống và Pháp luật