MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 chiến tướng 'thà chết chứ không theo Lưu Bị': 2 lần đánh bại Quan Vũ; khiến vạn binh của Tôn Quyền tan tác

23-09-2024 - 23:25 PM | Sống

Nếu như Lưu Bị có trong tay nhiều chiến tướng tận trung thì Tào Tháo cũng có không ít danh tướng xin hàng, đi theo phò tá.

Trong lịch sử Trung Quốc, nước Thục Hán tồn tại hơn 4 thập kỷ. Hoàng đế lập quốc của Thục Hán chính là Lưu Bị. Để dựng nước, Lưu Bị đã cất nhiều công thu nạp nhân tài, ổn định binh lực rồi xuất chinh đánh chiếm những cứ điểm quan trọng.

Thành công của một trong ba nước thời Tam Quốc đầy loạn lạc (nhà Thục Hán) đó đến từ những công thần khai quốc, kề vai sát cánh cùng Lưu Bị vào sinh ra tử. Nếu như Lưu Bị sở hữu những chiến tướng vô cùng thiện chiến và tận trung như Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi, Mã Siêu chuyên xông pha nơi trận mạc thì ở hậu phương vững chắc, hoàng đế nhà Thục nắm trong tay bậc kỳ tài Tam Quốc: Gia Cát Lượng.

Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả rất sắc nét giai thoại Lưu Bị "Tam cố thảo lư - Ba lần đến lều cỏ" để mời bằng được "Ngọa Long" Gia Cát Lượng sau khi Lưu Bị nghe Tư Mã Huy nói một câu gây chấn động: "Ngọa Long và Phượng Sồ (Bàng Thống), có được một trong hai người này, có thể bình thiên hạ".

2 chiến tướng 'thà chết chứ không theo Lưu Bị': 2 lần đánh bại Quan Vũ; khiến vạn binh của Tôn Quyền tan tác- Ảnh 1.

Phải mất 3 lần, Lưu Bị mới có thể thuyết phục Gia Cát Lượng theo mình. Ảnh minh họa: Sohu

Sử chép, năm Kiến An thứ mười ba (năm 208), Lưu Bị chiêu mộ thành công Gia Cát Lượng. Dưới những nước cờ tính toán như thần của Khổng Minh, Lưu Bị liên thủ Tôn Quyền đánh Tào Tháo một trận thua kinh điển trong đại chiến Xích Bích mùa đông năm 208.

Thắng lợi này tạo đà cho Lưu Bị mở rộng đánh chiếm thành công nhiều vùng đất chiến lược. Từ năm Kiến An thứ mười bốn (209) đến năm Kiến An thứ hai mươi bốn (219), Lưu Bị lần lượt thu phục nhiều quận ở Nam Kinh Châu nhờ thực hiện chiến lược quân sự Long Trung đối sách của chiến lược gia Khổng Minh. Để rồi đến năm 221, Lưu Bị lên ngôi, xưng là Hán Chiêu Liệt Đế. Nhà Thục Hán trở thành thế chân vạc trong thời kỳ Tam Quốc, cùng với nhà Tào Ngụy và Đông Ngô.

Phàm thì thời loạn lạc ắt sẽ sinh anh hùng. Tam Quốc là một thời kỳ như thế. Anh hùng không thiếu nhưng họ tận trung và phò tá ai mới là điều quan trọng. Sau khi xưng đế, Lưu Bị tiếp tục chiêu mộ anh tài.

Sohu (của Trung Quốc) cho biết, tuy nhiên, không phải ai cũng thề chết tận trung cùng chúa như Quan Vũ, Trương Phi. Có một số danh tướng thà chết chứ không theo Lưu Bị, họ là ai?

1. Bàng Đức - "Thà làm ma ở nước Ngụy còn hơn làm tướng của Lưu Bị"

Bàng Đức là một võ tướng Tây Lương, trước là phục vụ dưới trướng của cha con Mã Đằng, Mã Siêu; sau đi theo phò tá Tào Tháo của nhà Tào Ngụy.

Bàng Đức sở hữu võ công xuất quỷ nhập thần, dũng mãnh đến mức "Võ thánh" Quan Vũ cũng không dám khinh thường mà còn vô cùng khâm phục.

2 chiến tướng 'thà chết chứ không theo Lưu Bị': 2 lần đánh bại Quan Vũ; khiến vạn binh của Tôn Quyền tan tác- Ảnh 2.

Hình minh họa tướng Bàng Đức. Nguồn: Baidu

Một năm sau khi Mã Siêu đầu hàng và theo Lưu Bị năm 214, Bàng Đức chọn đi con đường khác. Danh tướng này "thà chết" chứ không theo phò tá Lưu Bị mà chọn Tào Tháo làm chủ công.

Để chứng minh cho quân Tào Ngụy lòng trung thành của mình với Tào Tháo, Bàng Đức nhất mực khiêu chiến một phen sống mái với Quan Vũ. Thậm chí, người này còn sai quân khiêng một cỗ quan tài. Một là thắng, hai là chết dưới tay Quan Vũ chứ không chịu quy hàng.

Tất nhiên, Quan Vũ không ngán bất cứ tướng địch nào. Hai chiến tướng lao vào đánh nhau. Qua hơn 100 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại.

Tam Quốc Diễn Nghĩa tả rằng, khi đó, Vu Cấm và Bàng Đức mang 7 đạo quân tiến đánh Quan Vũ giải vây Phàn Thành. Trực tiếp đối đầu Bàng Đức, Quan Vũ nhận thấy người này binh đao vô cùng uy dũng, cuối cùng phải dùng kế mới bắt sống được người này.

Đứng trước mặt Quan Vũ, Vu Cấm quỳ gối xin hàng, riêng Bàng Đức kiên quyết không quỳ, không quy hàng, còn lớn tiếng mà rằng: Ta thà làm ma ở Ngụy còn hơn làm tướng của Lưu Bị. Quan Vũ dù tiếc tài năng của Bàng Đức nhưng cũng đành xuống một nhát đao kết liễu.

2. Văn Sính - Hai lần đánh bại Hổ tướng Thục Hán; một lần đánh vạn binh của Tôn Quyền tan tác

Văn Sính là một danh tướng lập được nhiều công khi đi theo phò tá Tào Tháo. Trước khi quy hàng Tào, Văn Sính là đại tướng của Lưu Biểu ở Kinh châu, chuyên trấn giữ phương Bắc.

Năm Kiến An thứ mười ba (năm 208), Lưu Biểu qua đời, con trai là Lưu Tông lên nối ngôi. Khi đó, Tào Tháo tung quân chinh phục Kinh châu, Lưu Tông bàn bạc với các quan lại và quyết định nhường đất Kinh châu cho Tào Tháo. Ông còn triệu Văn Sính đến đầu hàng Tào Tháo cùng mình.

2 chiến tướng 'thà chết chứ không theo Lưu Bị': 2 lần đánh bại Quan Vũ; khiến vạn binh của Tôn Quyền tan tác- Ảnh 3.

Hình minh họa tướng Văn Sính. Nguồn: Baidu

Khi theo Tào, chiến tướng này được Tào Tháo ngưỡng mộ lòng trung thành với chủ cũ, lập tức phong làm Thái thú Giang Hạ, nắm giữ binh quyền trong tay.

Để nói về tài năng văn võ song toàn của Văn Sính, Tam Quốc chí tả rằng sức mạnh của Văn Sính không hề kém cạnh Triệu Vân của nhà Thục Hán. Thành tích cả đời vang chấn thiên hạ của Văn Sính chính là: 2 lần đánh bại Quan Vũ, một lần đánh vạn binh của Tôn Quyền tan tác.

Trong trận Tầm Khẩu năm Kiến An thứ mười tám, Văn Sính liên thủ Nhạc Tiến đánh một trận đại chiến với Quan Vũ. Hai bên giao đấu với nhau ác liệt, kết cục "Võ thánh" Quan Vũ nhận thất bại. Chiến thắng vang danh thiên hạ này giúp cho tên tuổi của Văn Sính nâng lên một tầm cao mới. Người này nhanh chóng được Tào Tháo phong danh hiệu Diên Thọ Đình Hầu.

Cuộc đọ sức thứ hai giữa Văn Sính và Quan Vũ diễn ra khi chiến tướng nhà Tào Ngụy dẫn binh ở Hán Tân (Thiểm Tây ngày nay) tấn công Quan Vũ. Những tưởng Quan Vũ "trả được thù cũ", ai ngờ lại chịu thất bại lần thứ hai. Không những thế, Quan Vũ còn làm mất Kinh châu, gián tiếp khiến cho sức mạnh của nhà Thục Hán suy giảm.

Chiến tích kinh điển này của Văn Sính khiến người này ngày một tự tin trên chiến trường. Năm 226, Tôn Quyền đích thân mang 5 vạn quân tấn công Văn Sính, bao vây Thạch Dương. Thực hiện kế sách "án binh bất động, Văn Sính quyết không giao đấu mà cố thủ trong thành. Sau hơn 20 ngày bao vây không có kết quả, Tôn Quyền đành lệnh rút quân. Thấy vậy, Văn Sính mang quân truy kích, đáng vạn binh của Tôn Quyền tan tác.

Chiến tích này khiến Tam Quốc chí phải chép rằng: "Khi Văn Sính trấn thủ Giang Hạ mấy chục năm, uy danh đến mức khiến Đông Ngô phải nể sợ".

Nếu các tướng này đều chọn đi theo Lưu Bị, liệu lịch sử có được viết lại không? Tiếc thay, lịch sử không hề có chữ NẾU, và sự lựa chọn của những vị tướng này thực tế đã phản ánh tình hình chính trị phức tạp của thời Tam Quốc.

Có người coi trọng lòng trung thành, có người theo đuổi danh vọng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, họ cũng đã để lại những chiến tích uy chấn thiên hạ.

Tham khảo: Sohu, 163, Baidu, Tam Quốc chí

Theo Trang Ly

Phụ nữ số

Từ Khóa:
Trở lên trên