2 đồng minh Trung Đông hàng đầu của Mỹ đón ông Putin: Cơn thịnh nộ từ người Ả Rập giúp Nga phá thế cô lập
Theo các chuyên gia, ông Putin sẽ tận dụng chuyến thăm Trung Đông để khai thác bất đồng giữa Washington và các nước Ả Rập, đồng thời vạch rõ những giới hạn quyền lực của Mỹ.
- 07-12-2023Tổng thống Nga Putin đến Ả-rập Xê-út bàn chuyện dầu mỏ
- 05-12-2023Ông Putin: Đức thiệt hại nặng nề do 'đóng băng' quan hệ với Nga
- 03-12-2023Vì tương lai của 'một nước Nga thiên niên kỷ và vĩnh cửu', ông Putin kêu gọi phụ nữ sinh tối đa 8 con
Theo tờ Business Insider, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/12 đã có chuyến công du hiếm hoi đến Trung Đông. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh vài tháng sau cuộc "nổi loạn" lực lượng lính đánh thuê Wagner, và phương Tây cho rằng Nga đang phải chống đỡ với các vấn đề kinh tế xã hội gia tăng trong nước bởi các lệnh trừng phạt.
Business Insider cho hay, chuyến đi của ông Putin đang làm thay đổi định kiến này, đồng thời phát đi thông điệp rằng những nỗ lực cô lập Nga của phương Tây đã thất bại.
Tổng thống Nga đang thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi - hai trong số những đồng minh truyền thống thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Đây là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên ông Putin kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3. Cả UAE và Saudi đều không phải là thành viên của ICC.
Các nhà phân tích nói với Business Insider rằng, ông Putin sẽ tận dụng chuyến thăm này để cố gắng gây chia rẽ giữa Washington và các quốc gia Ả Rập, đồng thời vạch trần những giới hạn quyền lực của Mỹ.
Ông Putin khai thác cơn thịnh nộ của người Ả Rập
Theo Business Insider, phần đầu của chương trình nghị sự có thể sẽ là về cuộc xung đột Israel - Hamas, nơi ông Putin tìm cách khai thác cơn thịnh nộ trong thế giới Ả Rập về việc Washington ủng hộ Israel ném bom Dải Gaza để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Hamas.
Theo chính quyền Israel, các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 đã giết chết 1.200 người. Trong khi đó, cơ quan y tế tại Gaza do Hamas kiểm soát cho biết, các động thái trả đũa tiếp theo của Israel đã giết chết hơn 16.000 người.
Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington, DC – nhận định rằng, chính phủ của Tổng thống Putin đã phản ứng trước cuộc xung đột ở Gaza theo những cách nhằm tăng cường ảnh hưởng quyền lực mềm của Nga trong thế giới Hồi giáo Ả Rập rộng lớn hơn, đồng thời tận dụng cơ hội để chuyển sự chú ý của quốc tế ra khỏi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Theo Business Insider, Tổng thống Putin cũng sẽ tìm cách vạch trần những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế đã thất bại như thế nào.
Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cắt giảm lượng xuất khẩu dầu của Nga, Nga đang ghi nhận lợi nhuận kỷ lục từ dầu mỏ, khi các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Brazil - những nước đã từ chối tham gia lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga - mua dầu Nga với giá rẻ.
Điện Kremlin cũng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia vùng Vịnh để kiểm soát hoạt động sản xuất dầu và giữ giá cả ở mức cạnh tranh. Năm ngoái, Ả Rập Saudi thậm chí đã từ chối yêu cầu tăng sản lượng dầu của Nhà Trắng, và thay vào đó đứng về phía Nga để giảm bớt sản lượng.
Các nước Ả Rập thách thức Mỹ
Theo Business Insider, các quốc gia vùng Vịnh giàu có và phần lớn "Nam bán cầu" bao gồm các quốc gia đang phát triển nghèo hơn, đã bác bỏ lời kêu gọi cô lập Nga của Mỹ.
Thay vào đó, UAE và Ả Rập Saudi đã tìm cách tận dụng cuộc xung đột Nga – Ukraine để khẳng định sự độc lập của họ trên trường quốc tế. Bằng việc tiếp đón Tổng thống Putin tại Abu Dhabi và Riyadh, họ đang gửi đi một thông điệp rất rõ ràng.
"Họ không nhận lệnh từ Mỹ, và việc UAE và Ả Rập Saudi hợp tác rất chặt chẽ với Nga sẽ gửi một thông điệp tới Washington về cách mà Abu Dhabi và Riyadh đang thực hiện chính sách đối ngoại trong một môi trường ít lấy phương Tây làm trung tâm hơn và thế giới đa cực hơn nhiều", chuyên gia Cafiero nói.
Theo các chuyên gia, trong khi mong muốn khẳng định sự độc lập của mình, UAE và Ả Rập Saudi cũng cảnh giác với việc bị gây khó dễ từ Mỹ - quốc gia có sức mạnh quân sự và kinh tế mà họ phụ thuộc vào.
Nhà phân tích Graeme Thompson của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group có trụ sở tại New York cho biết: "Các quốc gia như Ả Rập Saudi và UAE sẽ duy trì mối quan hệ cơ hội với Nga nhưng sẽ cẩn thận để mối quan hệ kinh tế của họ với Moscow không vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ, do mối quan hệ của họ với Washington vẫn rất quan trọng."
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cũng đã tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, đảm bảo các thỏa thuận trao đổi tù nhân và thậm chí tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào năm ngoái mà Nga không tham dự.
Theo các chuyên gia, đó là vấn đề mà Thái tử Ả Rập Saudi có thể sẽ nêu ra với Tổng thống Putin trong chuyến thăm, khi ông bin Salman tìm cách tạo dựng vị thế với tư cách là nhà đấu tranh cho các quốc gia ít quan tâm đến quan điểm của Mỹ hoặc Nga về Ukraine.
Ông Thompson cho biết: "Hầu hết các quốc gia ở ‘Nam bán cầu’ quan tâm nhiều hơn đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, do những tác động tiêu cực của nó đối với giá lương thực và năng lượng, hơn là một câu chuyện cụ thể – từ Nga hoặc phương Tây."
Đời sống & pháp luật