MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 loại "vua quả" của Việt Nam rộng cửa vào Trung Quốc, một đại gia Việt sắp thu thêm hàng chục triệu USD

Người đứng đầu doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt doanh thu hơn 100 triệu USD nhờ một nghị định thư mới được ký kết.

2 loại

Chiều hôm qua (19/08), trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Trung Quốc, một nghị định thư đã được ký kết dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo cấp cao hai nước tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thống nhất cho phép dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu từ Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Sau ký nghị định thư, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được xuất hàng sang nước bạn nếu đã hoàn tất các thủ tục và đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch từ nước nhập khẩu. Đây là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm nông sản trong nước, đặc biệt là sầu riêng và dừa tươi - hai loại trái cây có thế mạnh và được sản xuất quanh năm, ví như "mỏ vàng" của nông nghiệp Việt Nam.

Liên quan đến thông tin này, chúng tôi lắng nghe những kỳ vọng lớn của ông Nguyễn Đình Tùng (Chủ tịch HĐQT & CEO Vina T&T - doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn hàng đầu Việt Nam và đứng đầu về xuất khẩu dừa tươi).

PHÍA SAU NGHỊ ĐỊNH THƯ TRỊ GIÁ TỶ ĐÔ VÀ NHỮNG CƠ HỘI LỚN TRƯỚC MẮT CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, ông Tùng cho biết, Hiệp hội này cùng các công ty nông nghiệp đã nhiều lần tham mưu với Bộ NN&PTNT về việc đàm phán với Trung Quốc đề xuất được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dưa tươi vào thị trường nước bạn.

" Rất may là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Lê Minh Hoan là người rất lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, cũng như ý kiến từ Hiệp hội Rau củ quả. Trước mỗi chuyến công du, Bộ trưởng luôn lắng nghe kỳ vọng của các doanh nghiệp, xem họ có thế mạnh gì, nước ta có loại trái cây gì mạnh có thể xuất khẩu tốt và làm lợi cho nhiều người ".

2 loại

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch & CEO Vina T&T

Ông Tùng cho biết, một số loại trái cây đặc sản như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang... tuy thơm ngon nức tiếng nhưng lại gặp hạn chế lớn là chỉ có theo vụ ngắn. Trong khi đó sầu riêng và dừa tươi hầu như có thể sản xuất quanh năm, sản lượng lớn, rất cần tìm thị trường để xuất khẩu.

" Những năm gần đây, sầu riêng được giá, người nông dân Việt Nam đã tăng diện tích vùng trồng một cách phi mã. Nếu không có cách giải quyết, rất dễ 5 năm tới nước ta sẽ dư thừa và loại trái này lại rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá ". Việc tìm đầu ra cho sầu riêng là rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhấn mạnh, nếu không thể đảm bảo chất lượng, đầu ra dù lớn tới đâu cũng khó có thể "cứu nguy" cho loại quả tỷ đô.

"Chúng ta đã trực tiếp chứng kiến điều đó khi mà năm nay Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật với sầu riêng. Kết quả là giá loại quả này đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Nếu trong tương lai, chúng ta không chú trọng phát triển sầu riêng bền vững thì sẽ gặp thách thức rất lớn, bất kể một nghị định thư quan trọng đã được ký kết ".

2 loại

Nguồn nguyên liệu sầu riêng chất lượng của Vina T&T.

2 loại

Ông Tùng phân tích, năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. Nếu có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, doanh số toàn ngành sẽ tăng thêm khoảng 20%, đạt khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay.

Đối với dừa, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lớn, với diện tích trồng 175.000 ha, chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc mở cửa thị trường quan trọng 1,4 tỷ dân dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu dừa tươi tăng thêm 200-300 triệu USD. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Tùng nói, mặc dù Trung Quốc là thị trường rộng lớn và Việt Nam đã xuất khẩu lượng lớn sầu riêng tươi sang nước láng giềng nhưng vẫn chỉ tiếp cận được một tệp khách hàng nhỏ. Các vùng phía Bắc xa xôi, khu tự trị Nội Mông... gần như doanh nghiệp Việt chưa thể tiếp cận được do vấn đề bảo quản sản phẩm. Sầu riêng tươi sau khi đưa đến nước bạn chỉ còn rất ít thời gian lưu trữ, gây khó khăn cho bạn hàng khi lưu kho và tiêu thụ. Với quy định được phép xuất khẩu hàng đông lạnh, sầu riêng Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, tiếp cận nhiều khách hàng hơn cũng như tạo thuận lợi lớn cho đối tác khi tiêu thụ sản phẩm.

Đối với dừa tươi, vốn có lợi thế dễ bảo quản và lưu trữ dài ngày, nếu có thể xuất sang Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.

" Nếu chúng ta làm ăn đàng hoàng, từ khâu sản xuất như không dùng chất cấm mà nước bạn đã quy định, không thu hái trái chín non, đóng gói, chế biến đúng quy định, không trà trộn hàng loại A, B với nhau, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, biết làm thương hiệu... thì sẽ có cơ hội rất lớn".

2 loại

2 loại

Sản phẩm dừa tươi của Vina T&T.

ĐẠI GIA VIỆT KỲ VỌNG DOANH THU ĐẠT HƠN 100 TRIỆU USD

Hiện nay, Vina T&T do ông Tùng làm Chủ tịch HĐQT & CEO đang là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn hàng đầu với doanh thu 85 triệu USD, tương đương hơn 2,1 nghìn tỷ đồng (số liệu năm 2023). Doanh nghiệp cũng là đơn vị xuất khẩu dừa tươi lớn hàng đầu Việt Nam với doanh số đạt khoảng 7,5 triệu USD (chủ yếu sang Mỹ, châu Âu, châu Úc...).

Ông Tùng cho biết, với nghị định thư này, Vina T&T đang có thuận lợi rất lớn bởi từ trước tới nay, công ty đã coi dừa tươi và sầu riêng đông lạnh là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Doanh nghiệp đã có sẵn nền tảng tốt để đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng Trung Quốc như: Vùng trồng hữu cơ, nhà máy chế biến, dây chuyền hiện đại, công nghệ đông lạnh, bảo quản tốt...

"Trước đây, chúng tôi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi nhiều nơi, chủ yếu là những vùng mà sầu riêng tươi không thể tới được. Vì thế, Vina T&T đã sẵn sàng nền tảng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chuẩn mới khá khắt khe của thị trường Trung Quốc".

2 loại

"Vua xuất khẩu trái cây Việt" đặt kỳ vọng lớn về doanh thu sau ký nghị định thư.

Chỉ tính riêng việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Vina T&T dự kiến tăng thêm 30% doanh thu, tương đương khoảng 25 triệu USD. Đối với dừa tươi, công ty sẽ tăng thêm khoảng 10% doanh số, tương đương 10-17 triệu USD. Tổng hai ngành hàng, công ty tăng trưởng thêm khoảng 40%, giúp tổng doanh số có thể sẽ vượt hơn 100 triệu USD.

" Đây là kỳ vọng trong trường hợp mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tất nhiên chúng tôi có cơ sở cho việc đó bởi Vinta T&T đã xây dựng được hệ thống đối tác lớn tại Trung Quốc, trong đó nổi bật là tập đoàn Sunwah - doanh nghiệp không chỉ mạnh về xuất nhập khẩu nông sản mà còn có kênh phân phối bán lẻ tại Trung Quốc ".

Đặc biệt, Triển lãm quốc tế lớn tại HongKong - Asia Fruit Logistica sắp chính thức khai mạc vào 04-06/9/2024. Nghị định thư giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết ngay trước thời điểm này là một thuận lợi rất lớn giúp doanh nghiệp Việt quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đối tác và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng.

Theo Trương Thu Hường

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên