2 lời cha mẹ khôn ngoan không bao giờ nói với con mình trong khi cha mẹ dại khờ nói mọi lúc mọi nơi
Ngôn từ có sức mạnh lớn hơn tưởng tượng nên cha mẹ cần cẩn trọng trước những lời nói của mình, kẻo ảnh hưởng đến tương lai con cái.
Từng có một đoạn video rất viral trên MXH khiến netizen không khỏi lắc đầu thở dài. Một cô bé ở nhà trong dịp nghỉ lễ, vì biết mẹ vất vả nên đã tranh thủ lúc mẹ chưa về nhà, chủ động nấu cơm giúp mẹ. Cô bé chu đáo nấu tới 4 món ăn khác nhau, 1 bát canh và cả một đĩa trái cây gọt sẵn để ăn sau bữa trưa.
Nếu bạn thấy con mình đối xử với mình như vậy, bạn sẽ nói gì với con đầu tiên khi thấy cảnh đó? Chắc hẳn sẽ là hạnh phúc, tự hào, thậm chí rưng rưng nước mắt đúng không? Thế nhưng mẹ của cô bé đã không làm vậy. Sau khi đi làm về và thấy cả bàn thức ăn ngon lành con nấu, người mẹ này không hề vui mừng, thay vào đó, chị đã phàn nàn và mắng thẳng vào mặt con: "Con có biết là nấu thức ăn sớm thế sẽ nguội hết không? Nấu nhiều thế ăn sao hết, chỉ biết lãng phí!".
Nghe lời mẹ nói, cô bé không nói câu nào nhưng nước mắt bắt đầu trào ra, ai nhìn cũng cảm thấy xót xa. Nhiều người khi xem đoạn video này đã chỉ trích người mẹ không biết cách dạy con, những lời trách mắng của người mẹ, dù chỉ là vài câu đơn giản cũng sẽ dập mọi mong đợi trong lòng đứa trẻ. Nói rộng hơn, tổn thương do những lời nói đó mang lại có thể khiến đứa trẻ phải mất cả đời để chữa lành.
Muốn tốt cho con cái, cha mẹ đừng làm tổn thương chúng bằng lời nói.
Cụ thể, những bậc cha mẹ thông minh nhất không bao giờ nói những lời này với con mình, trong khi những bậc cha mẹ dại khờ chẳng hề hay biết mà sẵn sàng nói chúng mọi lúc mọi nơi.
1. Đừng bao giờ nói những lời cay nghiệt với trẻ
Nhà trị liệu gia đình Virginia Satir nói: "Nếu một đứa trẻ có vấn đề, hầu hết có thể tìm câu trả lời từ chính gia đình chúng".
Điều quan trọng nhất ở đây là có những bậc cha mẹ luôn thích nói những lời cay nghiệt với con cái, trong vô tình hoặc cố ý mà không biết rằng càng làm như vậy, hành vi của trẻ càng không đúng đắn, cuối cùng dẫn đến kết quả không như ý muốn.
Vậy cái gì gọi là lời nói cay nghiệt?
Thực ra đó chính là những lời nói khó nghe, cha mẹ cứ nói mà chẳng hề quan tâm đến khả năng chịu đựng tâm lý của con. Chẳng hạn như: "Sao con vô dụng thế?"/ "Nếu con còn như thế, bố mẹ sẽ không yêu con nữa"/ "Con tiếp tục làm thế thì khác gì đồ bỏ đi"…
Một số cha mẹ thường xuyên sử dụng những lời lẽ sắc bén để thể hiện tình yêu thương, cho rằng con cái có thể hiểu được ý tốt của mình, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, những lời nói như vậy đối với trẻ không phải tình yêu thương mà sẽ đẩy chúng ra xa hơn.
Cha mẹ thông minh hiểu chính xác điều này. Trong quá trình tiếp xúc hàng ngày với con cái, họ rất chú ý đến lời nói của mình và sẽ không bao giờ nói những lời gay gắt một cách dễ dàng mà thay vào đó, họ sẽ nói những lời trên như sau:
"Sao con vô dụng thế?" được thay thế bằng "Thấy con tiến bộ, bố mẹ rất mừng".
"Nếu con còn như thế, bố mẹ sẽ không yêu con nữa" được thay thế bằng "Bố mẹ luôn yêu con".
"Con tiếp tục làm thế thì khác gì đồ bỏ đi" được thay thế bằng "Con yêu, con là người giỏi nhất trong mắt bố mẹ, con thử làm theo cách khác, chắc chắn sẽ thành công".
Khi ngôn từ của cha mẹ không còn là những lời cay nghiệt, gay gắt mà thay vào đó là sự độ lượng và công nhận thì khi đó, con sẽ dần trở thành một người lạc quan, tự tin, mối quan hệ giữa đôi bên cũng sẽ ngày càng gắn kết.
2. Đừng bao giờ nói những lời tiêu cực với trẻ
Một netizen chia sẻ về quá trình trưởng thành của mình như sau:
Khi anh còn nhỏ, điều cha mẹ anh nói với anh nhiều nhất là "Nhìn mày đã thấy chẳng làm nên trò trống gì", "Suốt ngày chỉ biết chơi, làm gì cũng không xong"…, thậm chí "Nhìn cái dạng của mày, không sớm thì muộn cũng có ngày đi tù".
Những lời nói tiêu cực này giống như những mũi tên sắc nhọn, đâm sâu vào trái tim anh. Thời gian trôi qua, anh dần dần chấp nhận những đánh giá của cha mẹ về mình và trở nên rụt rè, bi quan, tự ti. Dù có làm gì, anh cũng cảm thấy mình thật vô dụng. Sau đó, anh kết giao với một số thành phần bất lương và phải vào tù vì tội trộm cắp.
Thấy anh như thế, cha anh chỉ cười khẩy: "Tao đã nói rồi mà, hạng mày thì chỉ đến thế thôi".
Khoảnh khắc đó, anh đã bật khóc.
Nhiều cư dân mạng nhận xét rằng không ai khác mà chính là người cha đã đẩy con trai vào cảnh tù tội vì những lời tiêu cực của mình, khiến con trai ông thành người xấu.
Những bậc cha mẹ thực sự thông minh không bao giờ nói những lời ám chỉ tiêu cực này với con mình, bởi họ biết rằng một khi họ nói quá nhiều lần thì rất có thể nó sẽ biến thành kết quả. Ngược lại, khi cha mẹ thường xuyên nói những lời động viên, khen ngợi con, khi lớn lên chúng sẽ dần tự tin hơn và trở thành những người lạc quan, vui vẻ.
Nếu trẻ thường xuyên nghe thấy những lời bóng gió tiêu cực từ cha mẹ về mình, chúng sẽ vô thức phát triển theo hướng này và thực sự trở thành phiên bản xấu xí nhất và tồi tệ nhất trong lòng cha mẹ.
Vậy nên, đừng bao giờ nói với con những lời tiêu cực mà hãy động viên con nhiều hơn, khen ngợi con nhiều hơn để con có dũng khí tiến về phía trước, có như vậy trẻ mới thực sự hưởng lợi cả đời.
Kết
Nhà thơ Angelo nói: "Ngôn từ giống như những viên đạn năng lượng nhỏ bắn vào lĩnh vực cuộc sống mà mắt thường không thể nhìn thấy. Dù chúng ta không thể nhìn thấy ngôn từ nhưng chúng đã trở thành một loại năng lượng tràn ngập căn phòng, môi trường gia đình và trái tim chúng ta".
Muốn giáo dục con tốt, bạn không được đánh giá thấp sức mạnh của ngôn từ. Đôi khi lời nói và hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ đạo cuộc đời của con cái. Hãy quan tâm nhiều hơn đến nội tâm của con cái, nói những lời công nhận, khích lệ để chúng cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc của cha mẹ, để mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng gắn bó hơn.
Thanh Niên Việt