2 năm định mệnh, giấc mơ thống lĩnh thị phần smartphone của Huawei bị ông Trump vùi dập như thế nào?
Năm 2018, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từng đặt ra mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2020 nhưng giấc mơ này đã bị một người đàn ông ở bên kia quả địa cầu đặt dấu chấm hết.
- 04-06-2020Nhọc nhằn vụ dẫn độ “công chúa Huawei” sang Mỹ
- 03-06-2020Anh tiến gần đến khả năng cấm Huawei vì bất bình với Trung Quốc
- 28-05-2020Số phận “công chúa” Huawei tạm thời được định đoạt tại Canada
- 26-05-2020Báo Nhật: Huawei đã dự đoán trước đòn tấn công của Mỹ và đang có chiêu đối phó
- 25-05-2020Nỗ lực 'nhấn chìm' Huawei, liệu Mỹ có thành công?
Giấc mơ bị dồn vào xó tường
Năm 2020 chưa kết thúc. Thực tế, giấc mơ của Huawei chưa bị đặt dấu chấm hết nhưng con đường gập ghềnh phía trước khiến những người lạc quan nhất cũng không còn tin tưởng vào viễn cảnh nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc vượt mặt cả Samsung và Apple.
Năm 2018, lãnh đạo cấp cao của Huawei là Richard Yu đã đặt mục tiêu tới cuối năm 2020, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, Mỹ gia tăng áp lực lên Huawei, đe dọa cắt đứt nguồn cung phần cứng và phần mềm chủ chốt dành cho hãng điệu thoại Trung Quốc. Động thái này ngay lập tức có ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của Huawei.
Dù mảng điện thoại thông minh của Huawei trẻ hơn đáng kể so với điện thoại Samsung và Apple nhưng nhà sản xuất Trung Quốc nhanh chóng vươn lên chiếm vị trí thứ 2 của thị phần. Tuy nhiên, niềm hy vọng của Yu để vượt Samsung gần như đã đâm vào ngõ cụt. Hãng sản xuất điện thoại Hàn Quốc có một đồng minh bất ngờ: Chính phủ Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt động thái mạnh tay nhằm vào Huawei, trong đó có cả việc yêu cầu Canada bắt Mạnh Vãn Chu, ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Dẫu vậy, Huawei vẫn giữ vững vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới nhờ tập trung vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, thị phần ở một số khu vực quan trọng trên thế giới cũng tuột khỏi tay Huawei, khiến tham vọng toàn cầu của nó bị tổn hại mạnh mẽ.
Đòn hạ gục từ Google
Tháng 5 năm ngoái, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Điều này khiến các công ty Mỹ bị hạn chế làm ăn với nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Thực tế, Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các cấu kiện cũng như phần mềm của doanh nghiệp Mỹ trong việc sản xuất điện thoại thông minh.
Dù có thể xoay sở về cấu kiện nhưng việc Huawei không được phép sử dụng hệ điều hành Android của Google là đòn quyết định. Điều này khiến điện thoại của Huawei chỉ tỏ ra hữu dụng ở thị trường Trung Quốc. Ở bên ngoài, không ai muốn mua một chiếc smartphone mà nó còn không cài đặt được những ứng dụng như gmail.
Trong quý đầu tiên năm 2019, Huawei xếp thứ 2 trước Apple. Tuy nhiên, sau khi bị đưa vào danh sách đen, thị phần nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 3, nhường lại vị trí cho Apple. Quý đầu tiên năm 2020, Huawei lấy lại vị trí thứ 2 một phần nữa nhưng thị phần giảm hơn so với một năm trước đó.
Dù các số liệu cho thấy Huawei vẫn rất kiên cường nhưng việc bị hất cẳng khỏi các thị trường quốc tế quan trọng khiến mọi cố gắng của Huawei chỉ còn một nửa tác dụng. Sự phục hồi của Huawei đến từ nỗ lực cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc. Các thị trường mới nổi cũng được Huawei nhắm đến. Dẫu vậy, thiếu các dịch vụ của Google vẫn là rào cản lớn nhất của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.
Huawei đã có thành công ngắn hạn trong chiến lược đẩy các thiết bị đời cũ tới các thị trường mới nổi để giành lấy thị phần toàn cầu. Các điện thoại ra đời trước khi Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen vẫn có hệ điều hành Android và các dịch vụ mà Google cung cấp.
Chẳng hạn ở Trung và Đông Âu, thị phần của Huawei chiếm 26,4% trong quý đầu năm 2020, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thị phần của họ ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, cũng cao hơn. Thị phần của Huawei ở Mỹ Latin cũng tăng hơn trong quý đầu 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương lai bất định
Những mẫu điện thoại đời cũ đã giúp Huawei tiếp tục đánh chiếm thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiên cường này của Huawei được các nhà phân tích đánh giá là không bền vững, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng thường muốn nâng cấp điện thoại thông minh của mình. Mỗi năm, các hãng cho ra đời hàng loạt các mẫu điện thoại mới. Những mẫu ra đời từ một vài năm trước nhanh chóng trở nên lỗi thời.
"Ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc, thiếu các dịch vụ của Google là trở ngại lớn cho tham vọng thống lĩnh thị trường smartphone của Huawei. Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc có thể tạm thời khắc phục bằng các dòng máy cũ tại các thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, điều này không thể kéo dài", ông Bryan Ma, Phó chủ tịch lĩnh vực nghiên cứu thiết bị tại International Data Corporation (IDC), nhận định.
Sức ép đối với Huawei không chỉ đến từ các đối thủ cạnh tranh bên ngoài mà còn cả từ các đối thủ trong nước. Hiện tại, các nhà sản xuất điện thoại khác của Trung Quốc như Oppo và Xiaomi vẫn có thể phát hành thiết bị cầm tay với ứng dụng Google. Chúng cũng có giá rẻ như điện thoại Huawei. Đó là bài toán khó mà gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang loay hoay giải.
Sự cạnh tranh của Xiaomi và Oppo ở thị trường Tây Âu đã khiến thị phần của Huawei giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm 2020. Cụ thể, hết tháng 3, thị phần của Huawei chỉ chiếm 18,2% trong khi năm trước là 24,3%. Tại Ấn Độ, thị phần của Huawei cũng giảm mạnh, từ 3,4% trong quý 1 năm ngoái xuống còn 0,4% trong cùng kỳ năm nay.
Sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei đã ra mắt hệ điều hành của riêng mình có tên HarmonyOS nhằm lấp chỗ trống khi không thể sử dụng Android. HarmonyOS đi kèm cửa hàng ứng dụng riêng của Huawei và các dịch vụ khác. Công ty đang sử dụng hệ điều hành mới cho các thiết bị của mình. Tuy nhiên, việc thiếu nhiều ứng dụng toàn cầu khiến HarmonyOS khó có thể thành công trên thị trường quốc tế.