2 năm trước GS Ngô Bảo Châu dạy học trên nền đất, 2 năm sau nơi ấy đã là lớp học khang trang
Bức ảnh được đăng tải trên Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, ghi lại khung cảnh 1 lớp học vùng cao ở Lũng Luông. Hai năm trước, Giáo sư Châu còn phải đứng dạy trong lớp học đơn sơ trên nền đất. Hai năm sau, nó đã thành một nơi khang trang và vô cùng ấm áp.
Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ câu chuyện 2 năm trước về vị giáo sư mang đôi dép tổ ong đứng dạy học trên nền đất, ở một ngôi trường được đóng tạm các tấm gỗ khô sờn, cũ kỹ. Đó là một buổi chiều ngày 27/8/2014, Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giảng viên Viện Đại học Chicago (Hoa Kỳ), Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã đến thăm các học sinh nghèo hiếu học ở Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai).
Hoàn cảnh thiếu thốn cùng điều kiện vật chất không đầy đủ nơi đây đã khiến Giáo sư vô cùng thương cảm. Quần áo đơn sơ giản dị, đi đôi dép tổ ong trên nền đất, Giáo sư Châu đã trực tiếp giảng dạy 1 tiết toán học cho các em học sinh nơi đây.
Bức ảnh được chụp lại vào tháng 8/2014 khi Giáo sư Châu đến thăm các em học sinh nghèo hiếu học... Ảnh: Facebook
Giáo sư Châu hăng say giảng bài trong sự hào hứng của các em nhỏ vùng cao. Ảnh: Facebook
Ngày 5/9/2016 - vào ngày khai giảng năm học trên toàn quốc, trên trang facebook cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đăng tải những bức ảnh khác của giáo sư Ngô Bảo Châu. Vẫn là các em học sinh vùng cao của Trường Tiểu học Lũng Luông, vẫn là không gian dạy học năm xưa, nhưng giờ đây, sau 2 năm quay lại, mọi thứ đã đổi khác.
"Bốn bức ảnh này, hai bức đầu chụp cách đây hai năm, tháng 8/2014. Hai bức sau là hôm nay. 5/9/2016. Hôm nay là ngày khai trường theo cả nghĩa bắt đầu năm học mới và theo cả nghĩa các em có trường học mới. Như hai năm trước, Giáo sư Ngô Bảo Châu lại vào lớp học ở Lũng Luông", nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ.
.. và 2 năm sau, nơi đây đã biến thành một lớp học khang trang, rộng rãi, các em nhỏ có áo đồng phục để mặc. Ảnh: Facebook Trần Đăng Tuấn
Giáo sư Châu cùng thầy giáo rạng rỡ trong buổi học ngày 5/9. Ảnh: Facebook GS Ngô Bảo Châu
Sau 2 năm, lớp học đơn sơ giờ đây đã vô cùng khang trang, đẹp đẽ từ bảng đen đến bàn ghế. Những cô bé, cậu bé không còn phải mặc bộ quần áo cũ kĩ mà thay vào đó là bộ đồng phục màu trắng đẹp mắt.
Lần này, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã ở đó vào đúng dịp lễ khai giảng của các em học sinh và có lẽ những hình ảnh này cũng đủ khiến ông cảm thấy tự hào xen lẫn hạnh phúc, bởi cuối cùng những nỗ lực của ông, của nhà báo Trần Đăng Tuấn cùng rất nhiều tình nguyện viên của dự án "Cơm Có Thịt" đã đưa đến thành quả nghĩa tình của ngày hôm nay.
Lớp học được trang bị đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: Facebook nhà báo Trần Đăng Tuấn
Trước đó, vào 9/8/2016, trên trang fanpage của dự án "Cơm Có Thịt" đã đăng tải dòng status với nội dung: "Niềm vui của thầy trò trường Lũng Luông. Trường Lũng Luông sẽ đẹp. Đang bước vào những công việc chót. Những mảnh ghép cuối cùng của Lũng Luông - Dự án đặc biệt của Cơm Có Thịt. Thầy trò ở bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên sẽ vui lắm đây" kèm theo những hình ảnh của ngôi trường này đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.
Ngôi trường mới của các em học sinh nghèo vùng cao. Ảnh: Facebook Cơm Có Thịt
Trên facebook, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng chia sẻ thêm về dự án này: "Thành quả này là do đóng góp của nhà tài trợ, người thiết kế và nhiều người khác. Cơm có thịt chỉ là cầu nối mà thôi".
Lớp học mới của các em trường Tiểu học Lũng Luông trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Ảnh: Facebook Cơm Có Thịt
Hình ảnh đối lập trong 4 bức ảnh trên đã khiến rất nhiều người cảm động và gửi những lời chúc mừng tới các em học sinh nghèo vùng cao.
"Lễ khai giảng ấm áp nhất mà tôi từng chứng kiến. Nhìn hình ảnh này mà không kìm được nước mắt. Mừng cho các em, mừng vì các em được đi học con chữ, mừng vì các em đã được mặc bộ đồng phục thật đẹp, mừng vì sự đổi thay đáng quý này", A.H chia sẻ.
"Cảm ơn Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đến chia sẻ với các học sinh vùng cao thiếu thốn. Mong thầy giáo nơi đây luôn vững niềm tin và sự tâm huyết. Mong các em học sinh nghèo luôn ham học, ham con chữ để thay đổi quê hương, nước nhà", một người khác xúc động.
Được biết, trong suốt 2 năm qua, nhờ sự đóng góp của các nhà tài trợ, kiến trúc sư, các nhà hảo tâm cho dự án "Cơm Có Thịt" mà những trường học vùng cao đã được cải thiện như thế này.
"Cơm Có Thịt" là một tổ chức thiện nguyện có trụ sở chính tại Hà Nội và mạng lưới tình nguyện trên cả nước và nhiều quốc gia. Mục đích của dự án là cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần để học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đi học thường xuyên, kết quả học tập tốt hơn. Kết nối cộng đồng trong hoạt động thiện nguyện.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn chính là chủ tịch điều hành Hội đồng quản lý dự án, và GS. Ngô Bảo Châu là chủ tịch danh dự.
Trí thức trẻ/Kênh 14