2 tầng hầm đặc biệt ở tòa nhà 5.500 tỷ đồng, đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất Việt Nam
2 tầng hầm đặc biệt dưới lòng đất đã góp phần khiến tòa nhà này trở thành một trong những kiến trúc độc đáo trên thế giới.
Tòa nhà Quốc hội hiện đại
Tòa nhà Quốc hội Việt Nam là nơi quyết định các vấn đề quan trọng bậc nhất của đất nước. Đây là một công trình hành chính có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam, đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Được khởi công vào năm 2009, tòa nhà Quốc hội có tổng mức đầu tư 5.517,59 tỷ đồng, tọa lạc tại đường Độc Lập, hướng về Quảng trường Ba Đình, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cạnh khu di tích 18 Hoàng Diệu.
Với thiết kế hiện đại, công trình này là một trong những công trình lớn và phức tạp nhất được xây dựng tại Việt Nam, bao gồm nhiều giải pháp kỹ thuật và thiết bị tiên tiến. Nhà Quốc hội mất 15 năm để hoàn thiện từ lúc lên ý tưởng cho tới khi đưa vào sử dụng.
Công trình lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa Việt Nam với cấu trúc chính chia làm hai khối, một hình vuông biểu tượng cho "đất" và một hình tròn biểu tượng cho "trời".
Nhà Quốc hội bao gồm 2 tầng hầm và 5 tầng cao, với diện tích mặt bằng là 102 x 102 mét, chiều cao khoảng 39 mét, tổng diện tích sàn khoảng 63.240 m2. Công trình cũng có một bãi đỗ xe ngầm 3 tầng có sức chứa khoảng 550 xe.
Sảnh chính của Tòa nhà Quốc hội là nơi tổ chức các nghi thức quan trọng, trong khi Hội trường Diên Hồng là nơi tiến hành các phiên họp của Quốc hội. Các đại biểu được trang bị ghế đặc biệt và bàn làm việc với hệ thống thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả phím biểu quyết. Để sử dụng hệ thống này, mỗi đại biểu cần sử dụng thẻ đại biểu điện tử cá nhân.
Điểm nhấn đặc biệt ở tòa nhà Quốc hội
Toà nhà Quốc hội Việt Nam sở hữu điểm nhấn đặc biệt là bảo tàng khảo cổ học có diện tích lớn 3.700 m², đặt tại hầm sâu từ 7 đến 13 mét. Quá trình khai quật diễn ra trong các năm 2008 – 2009 tại khu vực xây dựng tòa nhà này đã phát hiện 140 di tích cùng với hàng chục nghìn hiện vật từ nhiều thời kỳ.
Bảo tàng được thiết kế theo các lớp cắt khảo cổ học, mô phỏng thời gian từ xưa đến nay, chia thành hai phần chính là: tầng hầm 1 (diện tích gần 2.000 m2), nơi trình bày về thời kỳ sau năm 1010 - khi Kinh thành Thăng Long đã được hình thành và tầng hầm 2 (diện tích khoảng 1.700 m2), nơi trưng bày về thời kỳ trước khi Kinh thành Thăng Long được thành lập.
Mỗi tầng hầm mang những chủ đề và câu chuyện riêng biệt như kiến trúc cơ sở, vật liệu xây dựng, giếng cổ, và các hiện vật được phân loại theo chất liệu như gốm, sứ, kim loại, hài cốt động vật,... (tầng hầm thời kỳ Tiền Thăng Long). Trong khi đó, tầng hầm 1 tập trung vào đời sống thường nhật và tôn giáo với các hiện vật như đồ gốm, bát hút thuốc, ngói nghệ thuật...
Dưới sự tư vấn của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo cổ học và sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế, không gian trưng bày dưới lòng đất của Nhà Quốc hội hiện là một trong những nơi sáng tạo và ấn tượng nhất tại Việt Nam với cách bài trí, ánh sáng và âm nhạc đặc biệt.
Lịch sử hào hùng của Kinh đô Thăng Long thời Lý được tái hiện một cách sống động và đầy màu sắc thông qua kỹ thuật 3D mapping, media, hologram, đồ họa và kết hợp với ánh sáng, âm thanh hiện đại.
Những ai có cơ hội thăm quan bảo tàng khảo cổ học này đều cho biết bị cuốn hút bởi không gian trưng bày độc đáo, thú vị từ thời kỳ từ trước đến sau khi Hoàng thành Thăng Long được xây dựng.
Các chuyên gia bảo tàng học trong và ngoài nước đánh giá cao không gian trưng bày này, coi đây là một trong những bảo tàng hấp dẫn và độc đáo nhất Việt Nam hiện nay, phản ánh sự bắt nhịp theo xu hướng trưng bày quốc tế.
Với việc cả hai khu trưng bày dưới 2 tầng hầm được kết nối lộ trình tham quan với khu trưng bày lịch sử truyền thống Quốc hội tại tầng 1 đã tạo nên một hình ảnh tuyệt vời về sự tiếp nối, sự kế thừa lịch sử truyền thống, đem lại hình ảnh độc đáo và giàu tính sáng tạo cho tòa nhà Quốc hội.
Hiện nay, các Đoàn khách có nhu cầu tham quan khu vực này có thể đăng ký với Văn phòng Quốc hội thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến tại địa chỉ website: thamquan.quochoi.vn.
Đời sống Pháp luật