MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 thương vụ M&A bất động sản “bom tấn” những tháng đầu năm 2020

09-07-2020 - 15:55 PM | Bất động sản

Theo đại diện Savills Việt Nam, đây là thời điểm tốt cho các thương vụ M&A ngành bất động sản (BĐS).

Trong các tháng đầu năm 2020 thị trường BĐS Tp.HCM ghi nhận 2 thương vụ M&A BĐS đình đám.

Cụ thể, ngày 16/6/2020 nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi KKR (trong đó bao gồm Temasek) đã đầu tư 15.1 nghìn tỉ đồng (650 triệu USD), tương đương 6% cổ phần vào Vinhomes

Sau thương vụ này, Vingroup vẫn là cổ đông chi phối của Vinhomes. KKR thực hiện khoản đầu tư này chủ yếu thông qua Quỹ Asian Fund III.

Theo KKR, khoản đầu tư này là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam như là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực với triển vọng phát triển mạnh mẽ.

Thương vụ thứ hai, LDG Group nhận chuyển nhượng dự án nghìn tỉ củ Quốc Cường Gia Lai tại Q.Thủ Đức. Ngày 22/6/2020, CĐT LDG công bố chuyển nhượng dự án khu căn hộ Sông Đà Riverside từ Công ty Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, LDG mua lại 99,9% cổ phần Công ty CP BĐS Hiệp Phúc với giá trị 626 tỉ đồng. Sau thương vụ, LDG đổi tên dự án thành khu căn hộ LDG River, tổng vốn đầu tư 4,153 tỉ đồng.

Theo đại diện Savills, trái ngược với lo ngại về tình hình M&A ảm đạm do Covid-19, các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc vẫn lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ, hoặc những tài sản tại vị trí đắc địa trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng giờ do cần huy động nguồn tiền mà được đưa ra chào bán.

Theo đơn vị này, phân khúc thu hút các nhà đầu tư nhất trong năm nay dự đoán vẫn là văn phòng và đất dự án triển khai phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Riêng dòng sản phẩm khách sạn, trừ trường hợp ở vị trí đắc địa sẽ vẫn được quan tâm, tuy nhiên giá trị sẽ bị giảm nếu chào bán trong thời điểm này.

Trả lời trên báo chí mới đây, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc, Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, trong bất kỳ bối cảnh nào, yếu tố pháp lý sạch sẽ, đủ điều kiện để thực hiện giao dịch chuyển nhượng vẫn là điều kiện tiên quyết đầu tiên để hoạt động mua bán có thể được triển khai và hoàn tất.

Với tình hình Covid-19 như hiện nay, cách nhanh nhất để bên mua thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng chuyển nhượng là bên bán đáp ứng đủ điều kiện tiên quyết về pháp lý cho dự án.

Bên cạnh đó, yếu tố về lãi suất cũng rất quan trọng. Đối với các giao dịch chuyển nhượng trong BĐS, đòn bẩy tài chính luôn đóng vai trò quan trọng việc ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị giao dịch.

Ngoài ra, mức tiêu dùng cũng là yếu tố quyết định đến các thương vụ M&A. Thị trường cần sớm trở lại hoạt động thông thường, gia tăng mức tiêu dùng để kích thích tăng trưởng và tạo động lực cho bên mua trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm BĐS.

Đối với dự án đất xây dựng, bối cảnh hiện nay làm chậm quá trình xin giấy phép từ giai đoạn xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc cho đến cấp giấy phép xây dựng. Nếu không kịp thời đẩy nhanh quy trình và tiến độ trong việc triển khai các bước trên sẽ kéo dài thời gian đọng vốn của chủ đầu tư khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn kiệt về tài chính, lại không thể bán chuyển nhượng giao dịch khi giấy phép chưa hoàn tất.

Theo bà Nguyệt, thị trường vốn trong những năm gần đây ghi nhận nhiều hơn các giao dịch mua bán cổ phần từ 49 - 76%, không giới hạn ở việc cần phải mua đứt dự án. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài, vẫn luôn để mở phương án hợp tác với nhà đầu tư trong nước để vừa được hỗ trợ trong quá trình hoàn tất pháp lý cho dự án, vừa để hỗ trợ tìm hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Tuy nhiên, hình thức hợp tác đầu tư sẽ dễ dàng triển khai hơn nếu các bên lựa chọn tỷ lệ đầu tư phù hợp, trong đó cần có 1 bên đứng ra đảm nhiệm chính vai trò triển khai phát triển dự án, tránh trường hợp xảy ra xung đột về quan điểm trong toàn bộ quá trình hợp tác.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên