2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên TƯ bị kỷ luật
Theo ông Trần Quốc Vượng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Kỷ luật 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý
Ngày 10/1, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019; triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Ông Trần Quốc Vượng , Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, trong bối cảnh năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và chỉ còn hơn 2 tháng nữa ĐH cấp cơ sở sẽ được tổ chức. Tại thời điểm này, nhìn lại năm 2019 và qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cho thấy công tác kiểm tra đảng đã đạt được một số thành tựu nổi bật.
Từ năm 2016 - 2019, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước đây.
Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, nghiêm trọng; tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Cụ thể, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 226.479 tổ chức đảng và 1.054.699 đảng viên, trong đó Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra, kiểm tra 110 tổ chức đảng.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên.
Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng công an, quân đội.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, có được kết quả trên, bước đầu rút ra 5 nguyên nhân.
Trong đó, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhiều cấp ủy tăng cường chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện để uỷ ban kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Đảng. Đồng thời, ngành kiểm tra nhận được sự cổ vũ, động viên, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
"Có thể thấy rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư ngày 9/6/2016, yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan kiểm tra, kết luận vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh, tuy tưởng như là một việc vi phạm nhỏ, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm tốt việc này và có ý nghĩa như hoạt động mở đầu cho sự đổi mới công tác kiểm tra đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Theo Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung, dày công nghiên cứu, tham mưu trình BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành rất nhiều văn bản và Ủy ban ban hành nhiều văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm khoa học, sát thực tế, phù hợp với tình hình.
Các vụ điểm được Ủy ban Kiểm tra TƯ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
Công tác kiểm tra thực hiện theo chương trình, kế hoạch hàng năm; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm.
"Những vụ việc mà UBKT TƯ đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (có tính chất điểm) đối với doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí QGVN), công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh) việc thực hiện các quy chế hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng (ở nhiều tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành, UBND tỉnh).
Với các địa phương (Đà Nẵng, Khánh Hòa), lực lượng vũ trang (Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Cảnh sát), vấn đề bảo vệ môi trường gắn với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dự án Formosa Hà Tĩnh)... đã kịp thời xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật đảng.
Đồng thời, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm, có thêm bài học, kinh nghiệm hay trong công tác kiểm tra", ông Vượng nhấn mạnh.
Vẫn theo Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc kiểm tra cấp trên tăng cường kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm (ví dụ, kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai).
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời tiến hành kiểm tra lại các vụ việc dư luận quan tâm, ủy ban kiểm tra cấp dưới đã kiểm tra nhưng chưa đáp ứng yêu cầu (ví dụ vụ kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Thanh Hóa), góp phần giải quyết triệt để những bức xúc ở cơ sở, nhắc nhở, chấn chỉnh các địa phương, đơn vị còn lúng túng, làm chưa tốt công tác kiểm tra các vụ việc.
Một điểm nổi bật trong thời gian qua chính là, kịp thời công khai kết quả kiểm tra, kết luận các phiên họp của uỷ ban kiểm tra, nhất là các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Qua đó, góp phần tuyên truyền công tác kiểm tra của Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm; khẳng định bản lĩnh của Ngành Kiểm tra, giúp cho cán bộ kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải luôn tự đổi mới và hoàn thiện, bảo đảm cẩn trọng khi kết luận kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, để đảng viên, nhân dân giám sát hoạt động kiểm tra Đảng.
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh cần tập trung công tác kiểm tra chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra...
Trí Thức Trẻ