2 vợ chồng Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc công ty lúa gạo Trung An (TAR) cùng từ nhiệm
Những phiên gần đây, cổ phiếu TAR gây chú ý khi bước vào đợt tăng giá rất mạnh từ 16.000 đồng/cp lên đỉnh với 21.600 đồng/cp.
- 16-08-2023Xuân Thiện Group lần đầu hé lộ KQKD: Báo lỗ trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản đạt hơn 8.200 tỷ đồng
- 16-08-2023Cavico - doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Nasdaq, bị hủy niêm yết sau chưa đầy 2 năm giờ ra sao?
- 16-08-2023Novaland (NVL): Thị giá tăng 44% sau chưa đầy 1 tháng, Novagroup muốn bán thêm 43 triệu cổ phiếu
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vừa công bố thông tin nhận được đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT là bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1956) và Tổng Giám đốc là ông Phạm Thái Bình (sinh năm 1956). Thời gian vào ngày ngày 14/8, lý do được cả 2 lãnh đạo đưa ra nhằm "cơ cấu lại nhân sự Công ty".
Ngoài vai trò Tổng Giám đốc, ông Bình đang đồng thời giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty. Được biết, bà Lê Thị Tuyết và ông Phạm Thái Bình vừa được bầu lại vào HĐQT Trung An nhiệm kỳ 2023-2028 trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra tháng 6 vừa qua. Ông Bình và bà Tuyết là vợ chồng.
Hiện, ông Bình đang nắm giữ 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng tỷ lệ 14,04% vốn; trong khi đó bà Tuyết không sở hữu cổ phần nào tại TAR.
Những phiên gần đây, cổ phiếu TAR gây chú ý khi bước vào đợt tăng giá rất mạnh từ 16.000 đồng/cp lên 21.600 đồng/cp. Đà tăng diễn ra sau thông tin giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục, xuất phát từ động thái Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo dẫn đến rủi ro thiếu hụt nguồn cung.
Về Trung An, Công ty là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, nổi bật có thị trường châu Âu. Từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện Công ty chia sẻ với báo giới, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An.
Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Đến nay Trung An đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.
Kết thúc quý 2/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến TAR lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Giải trình, Trung An cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và Công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Công ty đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 51 tỷ đồng cùng kỳ và chỉ thực hiện được hơn 1% kế hoạch lợi nhuận năm (50 tỷ đồng).
Nhịp sống thị trường