2 vợ chồng cùng mắc ung thư: Bác sĩ khẳng định nguyên nhân là những món tai hại họ ăn hàng ngày để tiết kiệm
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, cặp vợ chồng này suy sụp vì lần lượt bị chẩn đoán ung thư, “hung thủ” không gì khác ngoài những món tai hại họ ăn hàng ngày.
Người ta vẫn thường cho rằng vợ chồng tâm đầu ý hợp sẽ cùng vui, cùng buồn nhưng cùng bị bệnh ung thư như cặp đôi ở Nam Kinh, Trung Quốc này thì quả thực rất hi hữu.
Bà Quảng, 64 tuổi, sống tại vùng Nam Kinh, Trung Quốc từ đầu năm đến nay luôn cảm thấy khó chịu ở bụng. Mỗi lần ăn xong, bà đều cảm thấy khó tiêu nhưng nghĩ là dấu hiệu tiêu hóa bình thường nên toàn bỏ qua. Cho đến tháng 5, bà cảm thấy đau bụng dữ dội nên đã tìm đến bệnh viện địa phương để khám. Kết quả nội soi dạ dày cho biết bà Quảng có vết loét lớn, bác sĩ xác định đó chính là ung thư dạ dày.
Kết quả CT bụng cũng cho thấy bà có một khối u có kích thước bằng nắm tay người lớn gần hang vị dạ dày và các hạch bạch huyết xung quanh cũng bị sưng. Bác sĩ chẩn đoán bà Quảng bị ung thư dạ dày di căn và đã bỏ lỡ thời gian tốt nhất để phẫu thuật.
Cặp vợ chồng cùng bị chẩn đoán ung thư trong chưa đầy 2 tháng. (Ảnh: Sohu)
Chẳng ai ngờ, ông Ma, chồng bà Quảng cũng gặp tình trạng giống vợ. Ông thường bị táo bón và đau bụng nên tháng 7 vừa rồi, ông quyết định đi nội soi và vô tình phát hiện ra đại tràng đang gặp tổn thương. Khi cả 2 vợ chồng phát hiện mình đều mắc ung thư, họ đã vô cùng suy sụp.
Để tìm cách điều trị, vào giữa tháng 7, hai vợ chồng bà Quảng đã đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Giang Tô và gặp giáo sư Jiang Zhiwei, giám đốc phẫu thuật tổng quát của bệnh viện. Tại đây, bác sĩ Jiang Zhiwei đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với cặp vợ chồng này và ngay lập tức cho họ nhập viện, sắp xếp 2 vợ chồng ở cùng 1 phòng để tiện chăm sóc nhau.
Giáo sư Jiang Zhiwei, giám đốc phẫu thuật tổng quát của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Sohu)
Vì khối u dạ dày của bà Quảng quá lớn và có sự kết dính với các cơ quan xung quanh nên việc phẫu thuật trực tiếp không thể loại bỏ hoàn toàn khối u. Để cải thiện cơ hội phẫu thuật cắt bỏ, các chuyên gia đã phát triển một chương trình "hóa trị bổ trợ + phẫu thuật mới". Trước tiên là thu nhỏ khối u và sau đó là phẫu thuật loại bỏ. Sau hai chu kỳ hóa trị, kích thước khối u đã giảm đáng kể. Vào cuối tháng 7, giáo sư Jiang Zhiwei đã thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày qua phương pháp nội soi cho bà Quảng.
Trường hợp của ông Ma tương đối đơn giản hơn. Vì ông phát hiện ung thư đại tràng khi còn sớm, nên sau khi hoàn thành các cuộc kiểm tra khác nhau, ông đã trải qua phẫu thuật triệt căn ung thư đại tràng xâm lấn tối thiểu. Sau một thời gian điều trị, cả hai vợ chồng đều hồi phục tốt, có thể xuất viện cùng nhau.
Sau một thời gian điều trị, cả hai vợ chồng đều hồi phục tốt, có thể xuất viện cùng nhau. (Ảnh: Sohu)
Tại sao cặp vợ chồng này lại được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cùng một lúc?
Theo giáo sư Jiang Ziwei, sự xuất hiện và phát triển của ung thư là một quá trình rất phức tạp và có nhiều yếu tố gây bệnh liên quan. Cặp vợ chồng đã bị ung thư dạ dày và ung thư đại tràng có thể liên quan đến thói quen ăn uống xấu của gia đình.
Mặc dù hai vợ chồng bà Quảng sống trong điều kiện tốt, nhưng vốn tính tiết kiệm, họ thường ăn lại thức ăn thừa quanh năm. Ngoài ra, thịt xông khói, xúc xích cũng là những món ăn khoái khẩu của gia đình họ. Đây chính là những yếu tố xúc tác gây nên bệnh ung thư.
Cũng theo vị giáo sư, đồ ăn để qua đêm hoặc các sản phẩm muối có chứa hàm lượng nitrite cao, nitrite vào cơ thể con người đến một lượng nhất định sẽ tạo thành nitrosamine dưới tác dụng của axit dạ dày. Thỉnh thoảng ăn những thực phẩm này sẽ không ảnh hưởng gì nhưng tiêu thụ lâu dài, nitrosamine sẽ tích lũy trong cơ thể theo thời gian, dễ gây ung thư đại tràng, ung thư dạ dày.
Làm sao để phòng ngừa ung thư
Giáo sư Jiang Ziwei nhắc nhở rằng mỗi người nên biết cân bằng chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Thực phẩm nên được đa dạng hóa càng nhiều càng tốt, ăn nhiều protein, nhiều vitamin, trái cây, rau quả tươi... Không nên ăn đồ cũ, tránh ăn mặn quá nhiều, hạn chế các thực phẩm hun khói, thực phẩm muối...
Nếu bạn thấy phía bụng trên thường có cảm giác khó chịu như đầy bụng và đau, cũng như viêm dạ dày và loét hoặc tiêu chảy, thói quen đại tiện thay đổi thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám. Đặc biệt những người trên 50 tuổi, tốt nhất nên khám sức khỏe định kỳ 1 năm 2 lần.
(Nguồn: Sohu)
Trí thức trẻ