20 lần khởi nghiệp thất bại, chàng trai trở thành tỷ phú USD ở tuổi 33: Làm gì cũng phải có đam mê, nước lên thời sẽ tới!
Startup thất bại không phải do ý tưởng tồi. Chỉ là CEO đó chưa gặp thời thôi!
- 05-10-2023Bỏ việc nhà nước ổn định, sau 3 lần khởi nghiệp thất bại, người đàn ông "rũ bùn" đứng lên, trở thành tỷ phú
- 30-08-2023Ở bên giúp đỡ bạn thân từ lúc khởi nghiệp, người đàn ông vỡ òa trong ngày cưới khi nhận món quà khủng
- 03-08-20235 lần khởi nghiệp, nhưng vẫn thất bại, tôi chọn phát triển "chiều sâu", theo 1 ngành nghề đang phát triển nhanh thứ 2 thế giới
Theo thống kê, có tới 20% startup thất bại trong năm đầu tiên và 50% thất bại trong vòng 5 năm kế tiếp. Nguyên nhân không phải do ý tưởng quá tồi, chỉ là công ty đó chưa gặp thời mà thôi.
Lấy Apoorva Mehta, CEO Instacart làm ví dụ. Ứng dụng giao hàng tạp hóa này đã ghi nhận nhu cầu khách hàng và thị phần tăng vọt trong đại dịch, nhờ đó đưa Apoorva Mehta trở thành tỷ phú USD ở tuổi 33.
“Đó là năm 2012, mọi người làm mọi thứ trực tuyến song vẫn phải đi siêu thị mua rau củ mỗi tuần. Chỉ mình nó là vẫn làm theo cách cổ xưa”, Apoorva Mehta chia sẻ về ý tưởng kinh doanh của mình.
Ý tưởng đặt rau củ quả trực tuyến và gửi đến tận nhà khi đó không phải quá mới. Webvan – một công ty thành lập từ rất sớm nổi tiếng vượt qua được trong giai đoạn bong bóng dotcom. Tuy nhiên, điều đó không làm Mehta nản lòng. Anh tin rằng thành công của công ty không chỉ nằm ở chất lượng ý tưởng mà còn ở thời gian.
Dưới sự dẫn dắt của CEO Apoorva Mehta, Instacart phát triển ra ngoài phạm vi thành phố San Francisco với hàng chục nghìn cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ. Các đối tác lớn như Albertsons, Publix, Kroger và Sam’s Club cũng bắt tay với thương hiệu.
Thế nhưng, ít ai biết rằng trước khi thành công với Instacart, Mehta cũng từng nhiều lần vấp ngã.
2 năm khởi nghiệp thất bại 20 lần
Sinh ra tại Ấn Độ nhưng lớn lên tại Canada, Mehta theo học ngành kỹ sư tại Đại học Waterloo và từng đảm nhận vị trí kỹ sư thiết kế tại Blackberry và Qualcomm. Anh sau đó đã chuyển tới làm việc tại Amazon với vai trò kỹ sư chuỗi cung ứng, trợ giúp công ty này phát triển hệ thống tiếp nhận và xử lý đơn hàng.
Năm 2010, Mehta xin thôi việc, chuyển từ Seattle tới San Francisco và bắt đầu con đường kinh doanh của riêng mình. Anh thử tiếp cận mạng quảng cáo dành cho các công ty trò chơi và ứng dụng mạng xã hội dành riêng cho luật sư, song cả 2 ý tưởng đều thất bại.
Không lâu sau, Mehta phát hiện ra đam mê chính là điều bản thân còn thiếu.
Thế là, với niềm yêu thích nấu ăn, Mehta nhận thấy khi đó (năm 2012), quá trình mua hàng tạp hóa không mấy thuận tiện. Ý tưởng cho Instacart ra đời - một công ty gắn liền với khẩu hiệu: Trả lại cho bạn 1 tiếng đồng hồ mỗi tuần.
“Lý do thành lập một không ty không chỉ đơn thuần là bạn muốn thế. Mục đích mà bạn thành lập một công ty là để giải quyết những vấn đề mà bạn thực sự quan tâm”, Mehta chia sẻ.
Sứ mệnh của Instacart là giúp người dùng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn khi mua đồ tạp hóa qua trang web/ứng dụng. Những ngày đầu, các đơn hàng đến với công ty nhưng Instacart lại không có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng. Chính Mehta, lúc đó chưa có ôtô riêng, đã phải tự mình đi giao hàng thông qua các chuyến xe công nghệ Uber.
“Không quan trọng bạn kinh doanh cái gì mà là kinh doanh khi nào”, Mehta nói. “Động lực thành lập công ty là mang lại sự thay đổi cho thế giới này”.
Dưới đây là một số gợi ý Mehta đưa ra giúp mọi người rèn luyện bản năng kinh doanh:
Tìm một nhóm cùng chung chí hướng: Theo Mehta, kể ý tưởng kinh doanh cho gia đình hoặc bạn bè là điều sai lầm. Nhiều khả năng họ sẽ không ủng hộ hoặc chê cười, từ đó khiến bạn nản lòng và từ bỏ. Thay vào đó, bạn có thể tìm một nhóm những người có cùng chí hướng kinh doanh để cùng nhau đi lên.
Nắm bắt xu hướng thị trường: Việc đón nhận thông tin kịp thời, phù hợp thực sự rất quan trọng. Thế giới thay đổi liên tục và nếu nắm bắt được xu hướng mới, bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Hãy tự hỏi bản thân ‘Mình có thực sự muốn khởi nghiệp không?’ trước khi bắt tay vào mọi việc. Nếu đủ quyết tâm, hãy mạnh dạn làm đi vì dù có thất bại, bạn cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý giá cho mình.
“Tôi đã hứa với bản thân mình rằng tôi sẽ không đi đến bất cứ một cửa hàng tạp phẩm nào nếu như sản phẩm của tôi chưa sẵn sàng”, Mehta chia sẻ tại diễn đàn Y Combinator.
Được biết trước đó, Instacart đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 19/9, nhắm mục tiêu được định giá khoảng 8,6 tỷ USD đến 9,3 tỷ USD. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với mức định giá gần 40 tỷ USD vài năm trước - thời điểm Instacart bắt đầu đặt nền móng cho việc niêm yết công khai.
Màn ra mắt không đạt kỳ vọng của Instacart làm tiêu tan hy vọng về một làn sóng niêm yết công nghệ mới. Theo các chuyên gia, các công ty khởi nghiệp nên trì hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ cho đến khi lãi suất ổn định trở lại.
“Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay nên tôi nghĩ điều đó khiến giới đầu tư khá lo lắng. Thời gian hiện tại không phù hợp để rót vốn vào các doanh nghiệp ít tên tuổi”, Stephanie Niven, giám đốc danh mục đầu tư ở Công ty quản lý đầu tư Ninety One, nói.
Theo ước tính của công ty dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, gần 80 ứng cử viên IPO đã không thể hiện thực hóa kế hoạch trong năm qua - thời điểm loạt startup công nghệ phải đối mặt với khủng hoảng. Đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ trong năm 2022 có xu hướng giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.
Theo: BI, FT
Nhịp sống thị trường